CEO Airbus có thể phải từ chức sau các cuộc điều tra tham nhũng

(ĐTCK) Tom Enders, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Airbus cho biết sẽ sẵn sàng từ chức nếu ông “không còn là một phần của giải pháp nữa”, trong bối cảnh tập đoàn này gần đây liên tục bị điều tra các vấn đề như gian lận, hối lộ và tham nhũng.
CEO Airbus có thể phải từ chức sau các cuộc điều tra tham nhũng

“Tôi hy vọng sẽ nhận ra chính mình khi điều đó xảy đến. Nhưng bây giờ, tôi không nghĩ chúng ta đang ở thời điểm ấy”, vị CEO 58 tuổi này tuyên bố.

Tháng 8 năm ngoái, Văn phòng Chống gian lận nghiêm trọng (SFO) của Anh đã chính thức mở cuộc điều tra hình sự nhắm vào Tập đoàn Airbus vì những cáo buộc “gian lận, hối lộ và tham nhũng” để “bôi trơn” cho các hợp đồng mua bán và sản xuất máy bay. Các cáo buộc đều liên quan tới một số nhà thầu trong những đơn cấp tín dụng xuất khẩu của Airbus.

Tới ngày 16/3 năm nay, giới chức Pháp cũng tham gia vào cuộc điều tra này và tuyên bố sẽ phối hợp với cơ quan điều tra Anh để làm sáng tỏ những cáo buộc gian lận đối với Airbus.

Theo dự đoán, vụ việc này có thể khiến Airbus bị phạt khoảng hơn 1 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận đối với một cuộc điều tra có khả năng sẽ còn kéo dài nhiều năm. Phạm vi vụ việc này của Airbus được cho là có quy mô còn lớn hơn so với đánh giá ban đầu, với hàng chục hợp đồng mua bán có giá trị hàng tỷ euro.

Phía Airbus cam kết sẽ hợp tác đầy đủ với các nhà chức trách. Tập đoàn này còn thuê một nhóm đánh giá độc lập để giám sát cuộc điều tra tham những, bất chấp việc các chuyên gia luật pháp cho rằng việc này chỉ được thực hiện sau khi tham vấn các công tố viên Anh và Pháp.

Trong thông báo ngày 22/5/2017, Airbus nhấn mạnh tới 3 cố vấn, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Theo Waigel và cựu Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Noelle Lenoir, sẽ trực tiếp báo cáo cho CEO Tom Enders và Ban lãnh đạo của hãng. Nhóm đánh giá độc lập sẽ thu thập thông tin từ tất cả các đơn vị của Airbus và xem xét kỹ lưỡng hệ thống hoạt động, cũng như những sai phạm của tập đoàn này.

Ngoài cuộc điều tra của Anh - Pháp, Airbus cũng đang phải chuẩn bị để đối phó với một vụ kiện tương tự từ Áo, xung quanh cáo buộc các quan chức nước này đã nhận hàng triệu euro để “chống lưng” cho những hợp đồng với Airbus.

Theo đó, hồi tháng 2/2017, Áo đã kiện Airbus liên quan đến một hợp đồng mua máy bay tiêm kích Eurofighter năm 2003 - vốn bị cáo buộc có nhiều điều mờ ám từ lâu và yêu cầu mức bồi thường thiệt hại lên tới 1,1 tỷ euro. Bộ Quốc phòng Áo cho biết, trong vụ kiện này, Airbus bị cáo buộc chủ ý lừa dối Vienna về đơn hàng máy bay Eurofighter trị giá 2 tỷ euro.

Các công tố viên của Áo tuyên bố rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến CEO Tom
Enders của Airbus. Theo đó, CEO này là một trong 16 cá nhân bị điều tra với cáo buộc tham nhũng và gian lận về giá liên quan đến hợp đồng máy bay này.

Hồi tháng 4/2017, người phát ngôn của Airbus khẳng định các cáo buộc này là “hoàn toàn vô căn cứ”. CEO Tom Enders cũng phủ nhận sự tồn tại của một “quỹ đen” bất hợp pháp tại Airbus để thu hút những khách hàng tiềm năng.

“Chúng tôi không có quỹ đen và dĩ nhiên, cũng không biết gì về nó”, CEO Airbus nói.

Tom Enders đã gắn bó với Airbus 17 năm và chính thức lên nắm quyền điều hành tập đoàn máy bay lớn thứ nhì thế giới này từ năm 2012. Hồi đầu năm 2017, ông đã tuyên bố ý định gia hạn nhiệm kỳ 3 năm của mình khi kết thúc vào năm 2019.

Trước những cáo buộc và điều tra kể trên, Airbus đã phải thực hiện nhiều cải tổ sâu rộng, thậm chí phải chuyển đổi các hoạt động kinh doanh, cũng như các chương trình tương thích. Tuy nhiên, hoạt động điều tra đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới công việc kinh doanh, cũng như sức cạnh tranh của tập đoàn máy bay 47 năm tuổi này. Sự tồn tại của Airbus, với 134.000 nhân viên và doanh thu hàng năm lên tới 67 tỷ euro (tương đương 78,6 tỷ USD), đang thực sự bị đe dọa.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục