Báo cáo tài chính năm
Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty đại chúng quy mô lớn/tổ chức niêm yết (sau đây gọi tắt là DN) có nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) báo cáo tài chính (BCTC) quý, BCTC bán niên đã được soát xét và BCTC năm đã được kiểm toán.
Kèm theo các BCTC này là báo cáo của kiểm toán của tổ chức kiểm toán đối với BCTC năm; báo cáo soát xét của tổ chức kiểm toán đối với BCTC bán niên; giải trình rõ nguyên nhân trong BCTC quý đối với trường hợp lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo kết quả kinh doanh giữa báo cáo quý của kỳ công bố so với báo cáo quý cùng kỳ năm trước có biến động từ 10% trở lên hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ.
BCTC năm phải được công bố chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán được chấp thuận ký báo cáo kiểm toán; không quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Báo cáo tài chính bán niên
BCTC bán niên phải được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận đã được chọn để kiểm toán BCTC năm của DN. Báo cáo này phải được công bố chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức kiểm toán được chấp thuận ký báo cáo soát xét; không quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.
Trường hợp DN là công ty mẹ của một tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc, thì thời hạn CBTT về BCTC bán niên hợp nhất hoặc BCTC bán niên tổng hợp đã được soát xét và BCTC bán niên của công ty mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên là 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.
Báo cáo tài chính quý
BCTC quý phải được công bố chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp DN là công ty mẹ của một tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc, thì thời hạn CBTT về BCTC quý của công ty mẹ và BCTC hợp nhất hoặc BCTC tổng hợp là 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
Các sự kiện liên quan đến BCTC
DN phải CBTT trong thời hạn 24 giờ:
- Khi báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, ý kiến không chấp nhận hoặc ý kiến từ chối của tổ chức kiểm toán đối với BCTC.
-Giải trình đối với các ý kiến ngoại trừ/lưu ý của tổ chức kiểm toán đối với BCTC năm đã được kiểm toán và BCTC bán niên đã được soát xét (nếu có). Giải trình cần nêu rõ: nguyên nhân, ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh (nếu có), giải pháp khắc phục. Đối với các ảnh hưởng có thể lượng hóa được nhưng trong BCTC kiểm toán/soát xét chưa nêu rõ, DN cần chủ động đánh giá giá trị ảnh hưởng và có xác nhận của đơn vị kiểm toán.
Mức độ ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ/lưu ý của kiểm toán về BCTC tới kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ được HNX xem xét để quyết định đưa chứng khoán của tổ chức niêm yết vào/ra khỏi diện cảnh báo/kiểm soát/tạm ngừng giao dịch và danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
-Khi có giải trình liên quan đến các số liệu tài chính do công ty phải CBTT theo quy định của pháp luật khác với số liệu tài chính tại BCTC được kiểm toán. Trường hợp này, DN nên có bảng so sánh và nêu rõ những mục đã được điều chỉnh và lý do điều chỉnh giữa BCTC được kiểm toán so với BCTC công ty tự lập.
-Khi có kết quả điều chỉnh hồi tố BCTC (nếu có).
-Khi ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm, khi thay đổi công ty kiểm toán (sau khi đã ký hợp đồng) hoặc khi công ty kiểm toán từ chối kiểm toán BCTC. Trường hợp này, DN phải nêu rõ nguyên nhân.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Sở GDCK Hà Nội và Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)
Lưu ý của HNX: lĐối với DN là công ty mẹ của một tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc, thì thời hạn CBTT BCTC năm/bán niên/quý nói trên áp dụng chung cho cả BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất, BCTC của đơn vị kế toán cấp trên và BCTC tổng hợp. lĐối với giải trình liên quan đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo kết quả kinh doanh giữa báo cáo quý của kỳ công bố so với báo cáo quý cùng kỳ năm trước có biến động từ 10% trở lên hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ: - Trường hợp DN là công ty mẹ thì phải giải trình rõ các nguyên nhân đó trong cả báo cáo kết quả kinh doanh công ty mẹ và báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất. - Trường hợp DN là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì phải giải trình nguyên nhân trong cả BCTC của DN và BCTC tổng hợp. |