Cầu vừa đủ ‘xài’: giữa bề bộn đồn đoán

(ĐTCK-online) Chứng khoán Việt Nam lại thêm một năm thăng trầm. Với 315 điểm khiêm tốn giao qua hồi đầu năm, VN-Index tiếp tục giảm sâu đến cuối tháng Hai còn 235 điểm. Kế đó là thời gian tăng nóng, lình xình giữa năm, đạt đỉnh 624 điểm tháng Mười, rồi khép lại ở điểm 494 sau một thời gian trở chứng khó chịu. Gọi ‘trở chứng’ vì đây là chuyện giữa ta với mình…

Bị tác động bởi những thông tin chắp nối thiếu cơ sở và nhạy cảm, trong chưa đầy hai tháng cuối năm 2009, VN-Index đã có khoảng sụt hơn 33%, từ đỉnh 633 xuống đáy 427 điểm ngày 17/12. Không thấy có mối liên hệ nào rõ ràng lý giải thị trường giảm sâu và nhanh như vậy là do phản ứng khách quan, giới quan sát và nhà đầu tư đã gọi đây là sự kiện kỳ cục của năm. Họ nhận ra sự bất thường trong các hoạt động đồng hành đang phục vụ họ. Đó là tình trạng tập trung khai thác tâm lý đám đông (đại chúng) bằng các đồn đoán có dụng ý “nắn” thị trường. Đáng nói, đồn đoán ở đây không còn là dạng hành lang truyền miệng mà đã di căn vào các phân tích, dự đoán, bình luận được tải đi trên các phương tiện công khai. Các thông tin này ký sinh hoặc dựa vào cái cớ vi vĩ mô mong manh nào đó tán nhuyễn ra và tạo lây lan. Đây là cách mà “người khôn” thường dùng để tận dụng yếu điểm tâm lý đại chúng nhằm tung hứng các trò chơi “quy luật” (theo lý lẽ prudent man). Đặc biệt là tại các thị trường chỉ có một cửa kiếm lợi (mua thấp bán cao) như ở ta.

Tuy dễ thấy vào giai đoạn suy giảm, dịch bệnh đồn đoán phát triển mạnh không kém lúc thị trường lạc quan, được che đậy bằng lý lẽ “xu thế”. Vấn đề tuy không còn mới, nhưng việc đặt thành vấn đề lại không dễ do có sự lẩn khuất, cộng sinh… Vậy ta thử xem đồn đoán diễn biến thế nào và có bản chất ra sao.

Đồn đoán ở dạng tin đồn thì đã rõ, không phải bàn nhiều. Loại thông tin dân gian này có vẻ thường tình, được xem là dư luận hay bị ví như tin vịt. Đây có thể là loại tin chui đầy ẩn ý, bị cấm kỵ, có thể bị “chộp”. Nhưng dù thế nào thì tin đồn truyền miệng cũng chỉ tác động có mức độ và khu trú hẹp. Dạng đồn đoán ẩn trong các phân tích, bình luận và dự đoán (gọi chung là “bình luận”) mới đáng ngại. Dạng này có tầm lan toả rộng nhờ được chuyển tải trên các phương tiện thông tin, nhưng lại rất khó thấy do được cộng sinh trong các hoạt động chính thức. Bình luận là lĩnh vực đòi hỏi tính nghiêm túc, cần trí tuệ, yêu cầu đạo đức, nghĩa là cần có tâm lẫn tầm, nhưng đây đồng thời cũng dễ là mảnh đất của vàng thau lẫn lộn. Cho dù các bình luận có kèm lời tự bạch (disclaimer message), được chú giải là thông tin tham khảo, “không chịu trách nhiệm”, ảnh hưởng của chúng không vì thế mà có giới hạn. Đại chúng rất dễ bị cuốn theo do tin vào hào quang của người bình luận hay cái thế giá (chỗ dựa) của phương tiện truyền đi. Bình luận có thể là con dao hai lưỡi và cũng có thể là cái bẫy…

Tuy nói vậy, bình luận dù sao cũng là hoạt động có tính ước lệ. Các công ty chứng khoán, tổ chức tài chính thường dựa vào mảng việc này để khẳng định mình, coi đây là nhịp cầu thu hút khách và giữ thân chủ. Bình luận, phân tích do vậy là cần, cần phong phú và cả sự trái chiều (trái chiều chứ không phải tự mâu thuẫn). Thị trường nhờ đó có được sự kiềm chế và khả năng sửa sai để tiệm cận vùng quân bình. Các nhận định nghiêm túc mang tính phản biện khoa học còn giúp khử bớt những hạt sạn lẩn trong hoạt động này. Vấn đề năng lực, tầm hạn và đạo đức “chuyên gia” do vậy được đặt ra.

Đáng tiếc, tình trạng đồn đoán núp bóng bình luận đã đi quá xa. Nhiều bình luận đưa ra các khuyến cáo mâu thuẫn, đao to búa lớn; các nhận định xào nấu, bầy đàn, vuốt đuôi, đặt điều ‘đánh nhau’ hay để “chơi” đối thủ… Đến mức báo chí đã gọi đây là bình loạn. Lối “phục vụ” bằng cách xả hàng chạy trước rồi tung hoả mù khuyên nhà đầu tư đứng ngoài để kéo giá xuống là chuyện khác, không còn hiếm thấy. Thế mới hay, việc thị trường cứ diễn biến thái cực không đơn giản là do đại chúng thiếu trình độ mà có “công” của những anh khôn. Điều này lại cũng chẳng mới, vì trong lúc sắm vai phục vụ, các công ty chứng khoán đồng thời có thể là đối thủ cạnh tranh trực diện với nhà đầu tư khi họ tự doanh!

Không thể không đặt thành vấn đề… Vâng, trong khi thị trường còn non trẻ, đại chúng đầu tư chưa đủ bản lĩnh tự vệ, việc chú trọng sàng lọc thông tin là cần thiết. Các phương tiện thông tin chính thức cần hạn chế tối đa việc tải đi các phân tích chỉ có giá trị hẹp, không phổ biến các bình luận hay dự đoán có ý đồ, để đại chúng không bị uống nhầm thuốc bốc cho người khác. Trách nhiệm và tư cách phát ngôn cần được đặt thành chuẩn mực, nhất là đối với các tổ chức đang khai thác hoặc có quyền lợi trên thị trường. Các quan chức, giới chức điều hành, chuyên gia, cần kín kẽ hơn, hết sức cẩn trọng khi phát biểu hay cho ý kiến, đặc biệt là với các tình tiết nhạy cảm, các khía cạnh chuyên nghiệp, chuyên ngành. Người đầu tư cần cảnh giác với các lời khuyên hay dự đoán chắc nịch, kiểu “nên đứng ngoài thị trường” hoặc “VN-Index sẽ giảm về dưới 400 điểm”… Trời ạ, khuyên nhà đầu tư đứng ngoài thị trường khác nào việc tách cá khỏi nước? Nói thị trường sẽ tăng lên hay giảm xuống một chỉ số cứng chẳng khác cách ta đánh vào chỗ nhược đám đông. Thị trường có bị “tự kỷ ám thị”? Có chăng sự oái oăm khi không ít dự đoán đầy ma lực đó đã là tác nhân gây hậu quả lại được vỗ tay khen?...

Có lẽ chẳng có gì oan khi nói nhiều dự đoán sử dụng các đáp số kỹ thuật (chỉ số) vừa qua đã tạo ra tình trạng đoán đồn, là do đoán mà có đồn. Làm gì đã có “thị trường hiệu quả”! Do vậy, việc ứng dụng phân tích kỹ thuật tại Việt Nam được cho là sớm quá. Vì, xét về diễn biến giá, thị trường ở ta được xem còn đang ở dạng phi mẫu hình (pattern-less path), chuyển động ngẫu nhiên (random walk) theo lý thuyết của Louis Bacheiler. Thế nhưng, phân tích kỹ thuật trong quá trình kiếm tìm đất sống thời gian qua cũng đã tạo được “quyền năng” nhất định. Do thiếu chỗ dựa, chưa đủ sức cưỡng lại những cám dỗ và nỗi lo, được ru bằng các điệp khúc “quy luật, xu hướng, chốt lời, cắt lỗ”, đại chúng đã bị nhiều dự đoán quá khẳng định dắt đi. Đáng nói, việc khuyên nhà đầu tư ra quyết định mà chỉ dựa vào chỉ số thị trường (VN-Index) có thể là nhầm lẫn lớn. Tại sao? Vì đầu tư là mua bán chứng khoán (khác với đánh cược chỉ số), mà đường giá của một cổ phiếu thì có thể ngược hướng với chỉ số thị trường, nhất là loại chỉ số tính theo phép trọng số giá như ở ta. Xem ra, cảm tính là thực tế còn bàng bạc ở những nơi sắm vai là chỗ dựa, chứ không riêng gì phía nhà đầu tư. Một lời kêu gọi cũng nên: Hãy kiềm chế và biết gạn lọc.

Cột mốc Mười Năm đang đến gần. Mười năm với bao thăng trầm, nhưng thị trường vẫn không ngừng lớn mạnh, cơ hội liên tiếp mở ra cho thấy sức sống và sự hấp dẫn của đầu tư chứng khoán. Thị trường nhiều lộc, nhưng không ít cạm bẫy. Vấn đề là cách hái, là khả năng chọn lọc, biết tự thắng mình. Dân gian “cầu dừa đủ xoài” là cầu lai rai phát tài. Người tham gia trên xa lộ đầu tư muốn “cầu vừa đủ xài” sẽ cần cái phanh và bộ lọc...          

Ông Huy Nam

Huy Nam
Huy Nam

Tin cùng chuyên mục