Cầu vốn tiêu dùng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân đang dần tăng trở lại. Trong đó, hình thức mua trước, trả sau được nhiều người lựa chọn.
Các nhà cung ứng vốn đang giữ ổn định lãi vay để kích cầu. Các nhà cung ứng vốn đang giữ ổn định lãi vay để kích cầu.

Trả góp 0% lãi suất

Chị Ngọc Thu tại TP.HCM cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2022, chị mua trả góp tivi trong 10 tháng, với lãi suất 0%, mỗi tháng trả gốc gần 2 triệu đồng.

“Tôi rất vui khi được sở hữu ngay tivi mới có màn ảnh rộng và sắc nét, trong khi số tiền ban đầu bỏ ra nhỏ và khoản chi trả hàng tháng nằm trong khả năng”, chị Thu chia sẻ.

Theo chị Thu, để kích cầu tín dụng tiêu dùng trong thời gian hậu giãn cách vì dịch Covid-19, hầu hết công ty tài chính cung cấp các gói tín dụng không tính lãi suất, nhưng sẽ tính phụ phí và phí trả chậm.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt cho biết, hình thức thanh toán trả sau từ đầu năm 2022 đến nay tăng mạnh. Khối lượng giao dịch trung bình 2 tháng đầu năm 2022 trong mạng lưới chấp nhận thanh toán Payoo trên toàn quốc tăng hơn 30% so với tháng 12/2021 và tăng hơn 80% so với tháng 11/2021, còn giá trị giao dịch của hình thức thanh toán này lần lượt tăng gấp 3 lần và 6 lần, nhờ động lực chính từ nhóm vé máy bay.

Cùng với sự tăng trưởng của du lịch thì nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán thúc đẩy nhiều nhóm ngành có mức tăng trưởng vượt bậc. Tiêu biểu, nhóm ngành siêu thị và trung tâm thương mại tăng tốt do nhu cầu mua sắm cuối năm cũ và đầu năm mới. Giá trị giao dịch nhóm này trong 2 tháng đầu năm 2022 qua mạng lưới chấp nhận thanh toán Payoo tăng 60% so với 2 tháng trước đó.

Cá biệt, có những chuỗi cửa hàng ghi nhận doanh thu tăng 3 lần. Với nhóm điện thoại, điện máy, giá trị giao dịch tháng 1/2022 tăng 45% so với 2 tháng cuối năm 2021 do nhu cầu mua thiết bị di động mới dịp Tết. Sang tháng 2/2022, doanh số chung của nhóm đạt khoảng 60% so với tháng 1. Nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng của người dân gia tăng có tác động tích cực lên tín dụng tiêu dùng.

FE Credit, Home Credit, HD Saison là những công ty tài chính trong nhóm dẫn đầu thị phần cho vay trả góp ở Việt Nam.

Trong đó, hình thức tùy chọn mua trước, trả sau đang trở thành một cách mua sắm ngày càng phổ biến với người tiêu dùng tại Việt Nam. Sự phát triển của ngành chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ và thích chọn hình thức trả góp 0% lãi suất.

FE Credit, Home Credit, HD Saison là những công ty tài chính trong nhóm dẫn đầu thị phần cho vay trả góp ở Việt Nam đều cho biết, mỗi bên có khoảng 12 triệu khách hàng. Bà Annica Witschard, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam nhận xét, thói quen mua sắm online đã thay đổi rất nhiều theo hướng gia tăng mạnh mẽ, bởi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và Việt Nam.

Theo báo cáo của Research & Markets, thanh toán mua trước, trả sau tại Việt Nam dự kiến tăng 71,5% mỗi năm và đạt 697,1 triệu USD năm 2021.

Kích cầu tín dụng tiêu dùng

Năm 2022, cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm tiêu dùng… dần mở cửa trở lại. Nhu cầu vay tiêu dùng theo đó được kỳ vọng tăng mạnh.

Để kích cầu vốn tiêu dùng cá nhân, các công ty tài chính đã và đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi. Bà Annica Witschard cho hay, Home Credit Việt Nam hiện có khoảng 40% khách hàng được giới thiệu mức lãi suất 0%, trong đó 75 - 76% là khách hàng cũ.

Tại HD Saison, người tiêu dùng vay mua trả góp xe Honda Winner X được hưởng lãi suất 0% và thời hạn vay lên đến 18 tháng. Khách hàng chỉ cần đến hệ thống cửa hàng Honda Việt Nam trên toàn quốc và cung cấp căn cước công dân gắn chip điện tử là có thể được Công ty cho vay trả góp. Với những mẫu xe thông dụng của các hãng xe khác, lãi suất là 1,37%/tháng và giá trị khoản vay lên đến 200 triệu đồng.

Ở Viet Credit, công ty này có mức thưởng lên đến hàng triệu đồng cho khách hàng khi giới thiệu người vay mới. Cụ thể, khách hàng có thời gian sử dụng thẻ VietCredit từ 5 tháng trở lên, mức thưởng là 1,2% trên hạn mức thẻ được cấp của người được giới thiệu thành công tại thời điểm xét thưởng. Khi đã dùng thẻ VietCredit 7 tháng, trong tháng 2 vừa qua, khách hàng giới thiệu thành công 8 người bạn mở thẻ với hạn mức được cấp là 25 triệu đồng/thẻ, tiền thưởng là 2,4 triệu đồng (điều kiện là 8 người bạn được giới thiệu dùng thẻ chi tiêu từ 1 triệu đồng trở lên và đáp ứng một số điều kiện khác).

Trong khi đó, FE Credit triển khai gói cho vay lãi suất 2,33%/tháng, hạn mức đến 70 triệu đồng, thời gian vay 6 - 36 tháng.

Số liệu từ báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, năm 2021 được xem là một năm khó khăn với mảng tài chính tiêu dùng (FE Credit) khi bị hụt thu khoảng 4.000 tỷ đồng do tác động bởi dịch bệnh. Nhưng khoản hụt thu đó tại FE Credit không hoàn toàn mất đi, mà một phần được đưa vào dự phòng rủi ro, một phần được dùng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Đồng thời, từ tháng 10/2021 đến hết tháng 1/2022, hoạt động của FE Credit cũng như VPBank có diễn biến khả quan.

Có tới 80% khách hàng trả được nợ và tiếp tục vay mới, chỉ còn 20% khách hàng phải tái cấu trúc lần hai. Lãnh đạo VPBank kỳ vọng, mảng kinh doanh của FE Credit sẽ sớm hoàn toàn hồi phục, nhờ thị trường tài chính tiêu dùng vẫn giàu tiềm năng, nhất là khi Chính phủ đang triển khai chương trình kích cầu. FE Credit từng trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó nên có kinh nghiệm để bứt tốc nhanh hơn các công ty tài chính tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, tập đoàn tài chính tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản là Sumitomo Mitsui hỗ trợ FE Credit hoạt động ngày càng an toàn và hiệu quả. VPBank đã đặt ra nhiều kịch bản lợi nhuận cho FE Credit năm 2022, trong đó có kịch bản đạt 5.000 - 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư trong năm 2021 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận khách hàng mới cũng như việc thu hồi nợ khách hàng hiện hữu, dẫn đến tổng dư nợ của khối công ty tài chính tăng trưởng thấp hơn kế hoạch.

Đáng lưu ý, số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu nhóm các công ty tài chính tiêu dùng tăng từ 6% lên 10% trong 9 tháng đầu năm 2021. Đây là điều đã được lường trước trong bối cảnh dịch bệnh, trong khi đặc thù của thị trường này là các khoản vay tín chấp có giá trị nhỏ, rủi ro cao. Năm 2022, tín dụng tiêu dùng được TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định sẽ hồi phục dần khi kinh tế tăng trưởng trở lại. Tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay dự báo tăng trưởng 14%.

Các công ty tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ tài chính tiêu dùng tới người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Một trong các mục tiêu tại Quyết định 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Ngân hàng Nhà nước là phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp, phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tăng trưởng bình quân của cho vay tiêu dùng giai đoạn 2010 - 2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%. Đến cuối tháng 11/2021, dư nợ cho vay phục vụ đời sống tăng 9,27% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,76%), chiếm 20,24% dư nợ tín dụng chung.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục