Nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động, trong khi lãi suất trái phiếu hiện nay vẫn khá cạnh tranh, nên lãi suất cho vay khó có thể giảm.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, kết thúc 10 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn ước tăng 9,5% so với cuối năm 2014. Trong đó, tín dụng bằng nội tệ (chiếm khoảng 85% tổng dư nợ) tăng 13,6%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 7,6% so với cuối năm 2014. Tín dụng cho vay của các ngân hàng chủ yếu dành cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, chiếm 81%, bất động sản chiếm 13%, còn lại là các lĩnh vực khác.
Tổng huy động của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đến cuối tháng 10 cũng khả quan, đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 11,77%, trong đó huy động tiền đồng tăng 11,38%, huy động USD tăng 13,84%.
Lãnh đạo các nhà băng cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng đang dần cải thiện. Không chỉ với khách hàng DN cần vốn trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, mà khách hàng cá nhân cũng tăng mạnh nhu cầu vốn mua, sửa chữa nhà, vay tiêu dùng, trong đó phải kể đến là mua ô tô.
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho hay, dư nợ tín dụng khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng tăng đáng kể trong 2 quý giữa năm và trong tháng đầu quý IV/2015. OCB không chỉ tài trợ vốn cho khách hàng cá nhân vay mua căn hộ, mà còn tài trợ vốn cho chủ đầu tư, kèm với việc bảo lãnh các dự án như: Western Dragon, Topaz City...
Lãi suất cho vay dự án được OCB áp dụng ở mức 7 - 8%/năm trong 1 năm đầu giải ngân, sau đó thả nổi theo mặt bằng lãi suất chung của thị trường và biểu lãi suất của OCB. Với cá nhân mua nhà, OCB có các gói tín dụng ưu đãi lãi suất 8 - 9%/năm, phổ biến trong khoảng 9 - 10%/năm, hạn mức cho vay 70%.
VietBank cho biết, nhu cầu vốn của DN không phải đến thời điểm này mới tăng trở lại, mà từ quý II/2015 đã có sự cải thiện; nhu cầu vốn của cá nhân cũng vậy. Trong năm nay, VietBank đẩy mạnh cho vay mua nhà, tiêu dùng, mua ô tô. Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank nhận định, lãi suất cho vay sẽ dần điều chỉnh, nhưng khó có thể giảm sâu. Bởi lẽ, chi phí huy động vốn đầu vào trong bối cảnh hiện nay không thể cắt giảm, ngược lại còn tăng.
Thực tế, lãi suất đầu vào của không ít ngân hàng đã tái tăng trong tháng 10/2015. Chẳng hạn, Viet Capital Bank có 2 lần tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm: kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng có lãi suất mới là 5,4%/năm (lãi suất cũ là 5,2%/năm). Một số ngân hàng không tăng lãi suất trực tiếp, nhưng gia tăng quyền lợi cho người gửi tiền bằng cách tặng quà, cộng thêm biên độ lãi suất.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, thanh khoản của ngân hàng hiện nay ổn định và khá dồi dào, nhưng nhu cầu vốn của khách hàng tăng trong dịp cuối năm nên các nhà băng tăng cường huy động tiền gửi để đáp ứng nhu cầu này.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét kiến nghị giảm thêm trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (mức trần hiện nay là 7%/năm). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, việc này không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, việc lãi suất giảm tùy thuộc sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. Khi lãi suất trái phiếu còn ở mức cao và an toàn thì khó kích thích giảm lãi suất cho vay. Trong khi đó, với lạm phát kỳ vọng năm nay ở mức 2%, lãi suất vay trung hạn là 9%/năm, DN khó có thể tái cơ cấu.
Thực tế, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Phía cung vốn là mức lãi suất kỳ vọng của người gửi tiền (lãi suất tiền gửi thấp sẽ khiến lượng tiền huy động giảm), đặc biệt là các mức lãi suất điều hành của NHNN, lượng cung tiền của cơ quan này. Phía cầu vốn chính là nhu cầu vay vốn của người dân và DN.
Còn với cá nhân, hiện các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi lãi suất như tại VIB, lãi suất 6,99%/năm cố định trong 6 tháng đầu, hoặc 7,99%/năm cố định trong 12 tháng đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng 3%/năm.