Cầu vốn giảm, lãi suất sẽ giảm “một cách tự nhiên“

(ĐTCK) Số liệu tháng 1 cho thấy, nhu cầu vay vốn ở mức thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, nên lãi suất sẽ hạ "tự nhiên", không cần can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cầu vốn giảm, lãi suất sẽ giảm “một cách tự nhiên“

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.164.561 tỷ đồng, giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Do tác động từ dịch cúm Covid-19 nhu cầu tín dụng giảm xuống, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều vào ngoại thương”.

Cụ thể, TS. Hiếu phân tích, tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP lên đến mức 194% cuối năm 2019 (kim ngạch xuất nhập khẩu 517 tỷ USD, còn GDP là 267 tỷ USD).

Tỷ lệ đòn bảy này chứng tỏ Việt Nam tham gia xâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đồng thời cũng thể hiện tính rủi ro cao cho nền kinh tế khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn hay rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được chế biến, lắp ráp và chế tạo từ những hàng hóa nhập khẩu.

Trung Quốc được xem là công xưởng của thế giới khi là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất không những cho Việt Nam, mà trên toàn cầu.

Nếu “công xưởng” này bị chì trệ vì bệnh dịch thì Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt các hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, từ đó tác động rất mạnh đến đầu ra là xuất khẩu.

Từ đây, những tác động trong xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ nhanh chóng tác động đến mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả nước.

“Nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế đang xuống thấp. Bên cạnh đó, lượng tiền dồi dào được lưu thông giúp hệ thống có tính thanh khoản cao. Đây là nền tảng để hạ lãi suất”, TS. Hiếu nói.

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nguồn tiền gửi tiết kiệm vẫn đang “chảy” đều đặn vào ngân hàng - điểm khá đặc biệt so với các năm trước.

Cụ thể, tuần từ 17 - 21/2, NHNN tiếp tục phát hành 23.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày, lãi suất 2,65%/năm.

Lượng tín phiếu lưu hành liên tục tăng trong 4 tuần qua, hiện ở mức gần 109.000 tỷ đồng.

Kênh thị trường mở (OMO) cũng có giao dịch đầu tiên trong năm 2020 nhưng giá trị rất nhỏ, chỉ 21 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, ở lãi suất 4%/năm.

Tính chung, NHNN hút ròng 22.976 tỷ đồng và lũy kế hút ròng gần 84.000 tỷ đồng kể từ đầu tháng 2 đến nay.

Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cũng dồi dào, lãi suất đi ngang ở mức 2,16%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,38%/năm (giảm 14 điểm phần trăm) ở kỳ hạn 1 tuần. Chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức 0,5-0,7%/năm.

Lãi suất thỏa thuận với các món tiền gửi lớn ít thay đổi, xoay quanh 4,1-5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Lý do sâu xa khiến cầu tín dụng giảm là nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều vào ngoại thương.   

Cùng với đó, để giúp chủ động ứng phó với tình hình, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bằng việc gia tăng hạn mức tài trợ thương mại cho 4 ngân hàng đang là khách hàng của IFC, bao gồm VPBank, VIB, TPBank, ABBank.

Tổng hạn mức mới là 294 triệu USD,  tương ứng 6.760 tỷ đồng (tăng 50 triệu USD, tương ứng tăng 1.150 tỷ đồng so với hạn mức cũ), sẽ cho phép các ngân hàng nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các công ty trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết: “Bảo lãnh của IFC sẽ giúp các ngân hàng trong nước tăng tài trợ thương mại một cách đáng kể cho nhiều công ty xuất nhập khẩu, trong đó có những công ty đang đối diện với sự khan hiếm hơn về tín dụng và phải dựa vào các khoản tài trợ của ngân hàng để bảo đảm dòng tiền, cũng như mua nguyên liệu đầu vào”.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại như BIDV, Vietcombank, HDBank, ACB… đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, hoặc giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về phía lãi suất huy động, một số ngân hàng đã giảm từ 5-20 điểm phần trăm trên biểu lãi suất niêm yết.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở trong TP.HCM thông tin, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm 0,5-1%/năm trong đầu tháng 3 tới.

Lãnh đạo cấp cao một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cũng cho hay, sẽ giảm lãi suất huy động nhằm giảm thiệt hại cho ngân hàng khi dòng tiền vào “ùn ùn” mà không cho vay được, đồng thời sẽ tính toán giảm lãi suất cho vay.

Kết quả cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát tháng 2/2020 đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) cho biết, kỳ vọng về CPI tháng 2/2020 so với tháng 1/2020 là 0,49%, bình quân năm 2020 so với bình quân năm 2019 là 3,51%.            

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục