Cầu ở thực là điểm tựa cho thị trường địa ốc hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù một số khó khăn của thị trường địa ốc chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn, nhưng nhịp sóng hồi giai đoạn này vẫn có sự hỗ trợ từ nhu cầu ở thực của người dân.
Cầu ở thực là điểm tựa cho thị trường địa ốc hồi phục

Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản" - Trao chứng nhận dự án đáng sống 2023 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (VCCI) tổ chức sáng nay (ngày 22/9).

Sự ế ẩm của thị trường địa ốc và thanh khoản kém đã khiến niềm tin của nhà đầu tư và người mua giảm sút trong gần 2 năm vừa qua. Vấn đề lớn nhất vẫn là câu chuyện về dòng tiền và pháp lý dự án, thủ tục hành chính đang gây tắc nghẽn và cản trở cho hàng trăm dự án trên cả nước.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm của mình trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chưa bao giờ các chính sách về pháp lý và dự án bất động sản được ban hành quyết liệt và dồn dập như hiện nay; hàng loạt các cuộc họp cấp Trung ương được tổ chức; toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, từ cơ chế, chính sách đến hiệu quả thực thi vẫn là một vấn đề rất nan giải.

Về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) với hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản cho thấy có tới 50% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, cơ quan quản lý tại địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; 14% cho rằng các hoạt động này đã mang lại kết quả cụ thể, các dự án căn bản đã xác định được hướng giải quyết.

Trong đó, điển hình phải kể đến một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội...

Về hoạt động điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh/phân phối/phát triển dự án, 2/3 doanh nghiệp cho biết, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đã có động thái tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách.

Tuy vậy, điểm đáng chú ý chỉ có gần 15% doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất... đạt mức độ hiệu quả, rất hiệu quả. 28% đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ xúc tiến, kết nối là không hiệu quả, rất không hiệu quả.

"Sự thiếu quyết tâm của chính quyền các địa phương đặt áp lực cho việc tháo gỡ vướng mắc thị trường, khó đẩy thị trường phục hồi mạnh" ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhìn nhận.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Trần Đình Thiên mong muốn Chính phủ cần vận hành một nghị quyết về quy trình xử lý vướng mắc trong khung luật pháp, bằng cách được phép lựa chọn và áp dụng linh hoạt các quy định đúng luật làm sao phù hợp nhất, áp dụng đúng thực tế nhu cầu cao nhất trên nguyên tắc công khai, minh bạch, không có vụ lợi…

Như vậy, sẽ không còn tình trạng cán bộ "ngồi chờ" mà phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

"Về thủ tục pháp lý, vẫn phải theo tinh thần tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường, phải vượt qua được tư duy sợ hãi thông thường. Về chính sách nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhu cầu của các địa phương là khác nhau; điều kiện, năng lực, áp lực thực thi chính sách cũng khác nhau nên cần có chính sách để bảo đảm cho các địa phương có quyền chủ động chính sách nhiều hơn" PGS.TS Trần Đình Thiên đề nghị.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý II, quý III sang năm. Để phục hồi thị trường bất động sản, Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ với các Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với sự tham gia tới tận doanh nghiệp.

“Chúng ta chưa vào 'tâm bão', chúng ta chưa đẩy được cung của nguồn nhà ở giá rẻ thì chưa giải quyết được vấn đề. Làm sao để các doanh nghiệp đi vào nhà ở giá rẻ được “tự do”, cần thiết Chính phủ quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ như ở Trung Quốc, tránh làm các nhà đầu tư nhà ở giá rẻ nản lòng. Chúng ta chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở bất động sản thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức cũng đã tổ chức trao chứng nhận cho các DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động với sự tham gia cố vấn, bình chọn bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục