“Câu lạc bộ tỷ đô” đón nhận 2 thành viên mới

(ĐTCK) “Câu lạc bộ tỷ đô” là danh sách các doanh nghiệp niêm yết có doanh thu trên 1 tỷ USD, tức là hơn 22.330 tỷ đồng một năm theo tỷ giá hiện tại. Công bố kết quả kinh doanh năm 2015 của khối doanh nghiệp này cho thấy, số doanh nghiệp tham gia Câu lạc bộ tỷ đô năm 2015 đã tăng thêm 2, đạt con số 11.
Vinamilk vẫn giữ vững đà tăng trưởng tốt trong năm 2015, với doanh thu đạt 40.223 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2014 Vinamilk vẫn giữ vững đà tăng trưởng tốt trong năm 2015, với doanh thu đạt 40.223 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2014

Dù Hòa Phát chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2015, nhưng với doanh thu 3 quý đầu năm đạt hơn 20.600 tỷ đồng, có cơ sở để khẳng định Hòa Phát sẽ vượt con số doanh thu 1 tỷ USD trong năm qua.

Năm 2015, có 2 gương mặt mới gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô”, đó là Masan (MSN) và Thế giới di động (MWG).

Doanh thu của Masan năm 2015 đạt 31.300 tỷ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2014; lợi nhuận ròng đạt 1.478 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Doanh thu của Masan tăng trưởng vượt trội nhờ năm qua Tập đoàn có thêm mảng Nutri-science (chuỗi giá trị dinh dưỡng). Mảng này đã đóng góp thêm 14.054 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất năm 2015 của Tập đoàn.

Mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ bởi hai thương hiệu chủ chốt là Proconco và Anco; trong đó, doanh thu mảng thức ăn cho heo trong quý IV/2015 tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước, cả năm tăng 26,5%. Trong khi đó mảng thực phẩm và đồ uống đạt doanh thu 13.918 tỷ đồng, tăng 4,7% năm trước.

Về mảng bia, năm qua, Masan ghi nhận doanh thu thuần 706 tỷ đồng, do công suất bị giới hạn 50 triệu lít/năm. Ngành gia vị được kỳ vọng tăng trưởng mạnh sau khi hợp tác với Singha để thâm nhập thị trường Thái Lan, mỳ ăn liền tăng trưởng âm về khối lượng, nhưng biên lợi nhuận gộp vẫn đạt 40% trong năm 2015, cao nhất từ trước đến nay.

Mảng đồ uống được đóng góp từ hai thương hiệu Vinacafe và nước khoáng. Đối với mảng kinh doanh khoáng sản, mặc dù giá vonfram giảm gần 38% trong năm 2015, nhưng mảng này vẫn mang lại khoản lợi nhuận ròng 152 tỷ đồng cho Masan.

“Câu lạc bộ tỷ đô” đón nhận 2 thành viên mới ảnh 1

Còn MWG, công ty này đã có mức tăng trưởng rất mạnh trong 4 năm qua. Nếu như năm 2012, doanh thu của MWG là 7.385 tỷ đồng thì đến năm 2014 là 15.836 tỷ đồng và năm 2015 là 25.388 tỷ đồng (bình quân tăng trưởng 60% hàng năm). Doanh thu của MWG trong năm 2015 đạt mức cao nhất trong lịch sử và lợi nhuận ròng đạt gần 1.072 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2014; thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 7.305 đồng. Năm 2016, MWG đặt kế hoạch doanh thu 34.166 tỷ đồng và 1.388 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Năm 2015, MWG chính thức được nhập khẩu trực tiếp Iphone từ Apple, Công ty cũng liên tục mở chuỗi siêu thị Thegioididong.com với 220 siêu thị mới và 49 siêu thị Dienmayxanh. MWG cũng mở rộng mảng bán lẻ bằng chuỗi cửa hàng Bách Hóa xanh, tập trung vào tiêu chí nhanh và giá rẻ. Trả lời báo giới, lãnh đạo MWG cho biết, từ nay đến năm 2020, MWG sẽ tập trung vào chiến lược trở thành nhà bán lẻ đa ngành. Đến năm 2017, MWG sẽ tấn công sang thị trường lân cận như Myanmar, Lào và Campuchia.

Đối với những thành viên cũ trong Câu lạc bộ tỷ USD năm nay, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) và Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đều có doanh thu sụt giảm so với năm trước. Doanh thu năm 2015 của GAS đạt 64.358 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước; lợi nhuận đạt 8.534 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước. Theo GAS, giá dầu giảm sâu còn 30 USD/thùng trong khi năm 2014 ở mức 57 USD/thùng làm doanh thu của Tổng công ty giảm mạnh. Năm 2015, sản lượng tiêu thụ khí và LNG của GAS đạt mức cao nhất lịch sử, vượt 100 tỷ m3 khí và 1,3 triệu tấn LNG.

Trong khi đó, doanh thu của PVS đạt 23.364 tỷ đồng, giảm 26% năm trước, lợi nhuận ròng đạt 1.491 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2014. Riêng trong quý IV/2015, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PVS đạt 175 tỷ đồng giảm 78% cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của giá dầu giảm làm cho doanh thu lợi nhuận của các dịch vụ kỹ thuật dầu khí phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí giảm mạnh. Mặc dù vậy, lợi nhuận cả năm 2015 của PVS vẫn vượt 54% kế hoạch đầu năm.

Trong số 11 doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD, có tới 3 ngân hàng là BIDV, Vietinbank và Vietcombank, với mức tăng trưởng doanh thu lần lượt đạt 12%, 3% và 11%, tương ứng đạt 49.063 tỷ đồng, 42.472 tỷ đồng, 31.361 tỷ đồng. Năm 2015 là một năm “dễ thở” hơn với ngành ngân hàng, lợi nhuận ròng của BIDV đạt 5.842 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước; lợi nhuận Vietcombank đạt 5.314 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước, trong khi lợi nhuận của Vietinbank đạt gần 5.700 tỷ đồng, xấp xỉ năm trước. Nợ xấu của các ngân hàng này cũng giảm mạnh so với năm trước, nợ xấu tại BIDV là 1,62%, mặc dù Ngân hàng đã nhận sáp nhập MHB, nợ xấu của Vietcombank là 0,56% (năm 2014 là 0,63%) và nợ xấu tại Vietinbank là 0,85%.

Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), một thành viên cũ trong “Câu lạc bộ tỷ đô” vẫn giữ vững đà tăng trưởng tốt. Vinamik là doanh nghiệp có doanh thu đứng thứ tư sàn niêm yết, với hơn 40.223 tỷ đồng doanh thu năm 2015, tăng 14% năm trước; lợi nhuận ròng đạt 7.773 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với năm 2014, EPS đạt 5.837 đồng. Năm 2015, doanh thu tại thị trường nước ngoài của Vinamilk đạt gần 8.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng doanh thu, con số này tăng trưởng liên tục trong 5 năm qua.

Giá sữa nguyên liệu giảm đã đóng góp vào đà tăng trưởng lợi nhuận của Công ty, chi phí cho nguyên vật liệu năm nay chỉ hơn 18.700 tỷ đồng, giảm 9,5% năm trước, mặc dù doanh thu tăng 14%. Mặc dù vậy, chi phí quảng cáo của Vinamilk trong năm 2015 lên tới 1.776 tỷ đồng, tăng 82% so với năm trước. Thị trường vẫn đang chờ đợi động thái của SCIC khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thoái vốn khỏi công ty này.

Đứng thứ 5 trong danh sách “doanh nghiệp tỷ đô” là CTCP FPT, với doanh thu năm 2015 đạt 38.443 tỷ đồng, tăng 17% năm trước; lợi nhuận ròng đạt 1.933 tỷ đồng, tăng 18% năm trước. Hầu hết các mảng kinh doanh của FPT đều tăng trưởng, trong đó khối phân phối bán lẻ ghi nhận doanh thu 25.212 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 729 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; trong đó, lĩnh vực bán lẻ có doanh thu tăng 51% và lợi nhuận trước thuế tăng 335% so với cùng kỳ.

Khối công nghệ ghi nhận doanh thu 8.600 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 926 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Khối viễn thông ghi nhận doanh thu 5.484 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2015 đạt gần 4.860 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu phần mềm.

Trong danh sách doanh nghiệp tỷ đô, không thể không nhắc đến Tập đoàn Vingroup, với hàng nghìn dự án trên cả nước trải dài trên tất cả lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, giáo dục, nông nghiệp... Năm 2015, doanh thu của Vingroup đạt 33.896 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2014; lợi nhuận ròng đạt 1.160 tỷ đồng.

Trong đó, riêng quý IV, doanh thu của Tập đoàn đạt hơn 14.400 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chuyển nhượng bất động sản và việc mở rộng quy mô và số lượng của hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+, dẫn đến doanh thu bán hàng tăng đột biến. Năm 2015, Vingroup đưa vào hoạt động 10 trung tâm thương mại trên cả nước và đặt kế hoạch 50 trung tâm thương mại vào năm 2016…

TTCK Việt Nam cần thêm những doanh nghiệp có quy mô lớn như trên để có thể thu hút được nguồn vốn quốc tế. Bởi một trong những điều kiện của nâng cấp lên thị trường mới nổi của MSCI, đó là thị trường Việt Nam cần ít nhất 3 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1,26 tỷ USD.

Phương Mai

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục