Câu hỏi chất vấn phải đúng tầm; Bộ trưởng cần trả lời thẳng thắn, không dẫn luật lòng vòng...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội để hoạt động chất vấn thực chất và hiệu quả, do nội dung chất vấn của Kỳ họp lần này sâu rộng hơn, số đại biểu chất vấn và số Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn đều nhiều hơn các kỳ họp trước. 
Đại biểu Dương Khắc Mai trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: M.Minh) Đại biểu Dương Khắc Mai trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: M.Minh)

Từ sáng nay (6/11) đến hết trưa 8/11, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Vì đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn theo nhóm lĩnh vực.

Bao gồm: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng…); nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng…); nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội và nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán Nhà nước.

Trước thềm phiên chất vấn, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhiều kỳ vọng, ý kiến đóng góp, đồng thời chia sẻ một số nội dung tâm huyết dự kiến sẽ gửi tới các Tư lệnh ngành trong 2,5 ngày tới.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, tại phiên chất vấn của kỳ họp này, các đại biểu có thể đặt câu hỏi với từng Bộ trưởng, Trưởng ngành về những vấn đề tồn tại, hạn chế trong nửa nhiệm kỳ vừa rồi và những vấn đề mới có thể phát sinh. Đây là một vấn đề rất "mở".

Theo đại biểu, hoạt động chất vấn lần này sẽ rất sôi động và mong muốn của ông là sau khi chất vấn, các Trưởng ngành sẽ cầu thị, tiếp thu và làm sao để giải quyết được thỏa đáng các câu chất vấn của đại biểu.

“Tức là phải sớm trả lời được hay không được, chứ không được dẫn luật lòng vòng, căn cứ theo luật A, B, C… Trong các kỳ họp trước, tôi cũng đã nêu vấn đề này rồi. Các Bộ trưởng cần trả lời thẳng thắn, tiếp thu một cách tích cực, cả hai bên phải có sự tương tác với nhau để việc chất vấn có hiệu quả, và mục đích cuối cùng là công việc phải trôi chảy”, đại biểu nêu ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trước tiên đại biểu Quốc hội cần phải chất vấn những câu hỏi đúng tầm, không hỏi những vấn đề vụn vặt, vụ việc cụ thể. Đặc biệt, không được chất vấn lại chất vấn của đại biểu khác, đó là điều tối kỵ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ảnh: M.Minh

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ảnh: M.Minh

Quốc hội là nơi bàn về quốc sách, nên phải hỏi những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của đất nước, quốc gia, dân tộc.

"Có chăng, chỉ nên lấy những vụ việc cụ thể để minh họa cho việc làm của Bộ trưởng, Trưởng ngành, để phản ánh một vấn đề nào đó. Tuyệt đối không được lấy một vụ việc cụ thể ra để chất vấn", đại biểu đoàn Cà Mau lưu ý.

Theo vị đại biểu, nếu lấy vụ việc cụ thể ra chất vấn sẽ có hai bất cập là các đại biểu Quốc hội sẽ mất nhiều thời gian để nghe những vụ việc quá cụ thể, trong khi người đứng đầu bộ ngành có thể không nắm hết được, mà do bộ máy giúp việc nắm.

Ngược lại, chất vấn những câu hỏi đúng tầm là nội dung chất vấn làm rõ được công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ mà Bộ trưởng, Trưởng ngành đó điều hành.

Ví dụ, tại sao chức năng, nhiệm vụ như thế mà lại không làm? Điều kiện của anh không khác gì người khác nhưng anh lại không làm được, vậy có phải do năng lực, hay không ý thức được công việc? Hoặc là anh nhận ra nhưng không chịu làm, thì đó là trách nhiệm...

Muốn vậy, bộ máy giúp việc cho người điều hành chất vấn phải có dữ liệu, tệp vấn đề, là quá trình giải quyết các vấn đề đã từng được chất vấn và trả lời chất vấn trước đó. Để khi nghe chất vấn thì biết vấn đề này đã trả lời chưa, tránh “tua” lại.

Về nội dung dự định sẽ chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, ông quan tâm tới việc chấp hành pháp luật và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành trung ương.

Đại biểu Quản Minh Cường (đoàn Đồng Nai), Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, về nội dung chất vấn kỳ này, ông quan tâm đến những vấn đề "nóng" như sách giáo khoa, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo.

Đại biểu Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai (Ảnh: M.Minh)

Thứ hai, ông quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, không chỉ là giường bệnh, chữa bệnh, thuốc và là vấn đề rộng hơn. Ông lấy ví dụ, như ở Đồng Nai, vấn đề nước sạch đang có vấn đề, người bệnh ung thư quá nhiều.

Thứ ba là phân tầng xã hội, làm sao để người giàu - người nghèo phân cực hợp lý để không trở thành đối kháng. Có những người không thể thoát nghèo do tàn tật, hoàn cảnh, tai nạn..., xã hội phải có trách nhiệm.

Ngoài ra, ông Cường cũng quan tâm và sẽ chất vấn những vấn đề gây bức xúc dư luận như an toàn giao thông, tội phạm có nguyên nhân xã hội, các vụ án đau lòng...

“Chúng ta không đổ trách nhiệm cho ai, nhưng phải tìm ra nguyên nhân. Quốc hội cũng phải quan tâm đến vấn đề này", ông Cường nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên), Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ đồng tình đối với sự đổi mới trong hoạt động chất vấn của kỳ họp này.

Đại biểu cho biết, chất vấn lần này là chất vấn giữa kỳ, với nội dung là tất cả các lĩnh vực liên quan đến kiến nghị sau giám sát của khóa XIV và kiến nghị của khóa XV tính đến Kỳ họp thứ 4.

Như vậy, nội dung trải dài trong tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Điều đó đòi hỏi tất cả cơ quan hành pháp, kể cả tòa án, viện kiểm sát tham gia trả lời chất vấn.

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên), Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: M.Minh

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên), Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: M.Minh

Đặc biệt, theo đại biểu, tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận liên quan báo cáo giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

"Báo cáo này trước đây thường được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, nhưng đây là lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội thảo luận", Phó ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng thời ông cho rằng đây là báo cáo quan trọng giúp hoạt động chất vấn sâu hơn, đi sát thực chất hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nhận xét về những điểm mới của hoạt động chất vấn lần này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho hay, trong 2,5 ngày chất vấn sẽ đưa ra các nhóm vấn đề. Mỗi ngày sẽ chia ra các nhóm theo lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài chính...

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) - Ảnh: M.Minh

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) - Ảnh: M.Minh

Các nhóm vấn đề sẽ được Quốc hội đưa ra, khi chất vấn sẽ thể hiện một cách đầy đủ, toàn diện. Số lượng các đại biểu được chất vấn đợt này sẽ rất nhiều, trên tất cả các nội dung. Và quá trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội trong suốt thời gian vừa qua đến thời điểm này sẽ được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi.

"Tôi cho rằng đây là cách làm rất mới. Qua phiên chất vấn, tôi hy vọng những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm trong thời gian qua được đưa vào Nghị quyết và sẽ được thực hiện một cách tối đa", bà Ngọc nói.

Còn những vấn đề gì chưa thực hiện được thì, theo đại biểu, các Trưởng ngành phải đưa ra được các giải pháp, để làm sao Nghị quyết của Quốc hội phải đi vào cuộc sống và phải đạt được mục đích, yêu cầu, cũng như đảm bảo được rằng, Quốc hội, Chính phủ đã có sự thống nhất, phối hợp rất chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc, khó khăn.

Chỉ chất vấn những vấn đề có trong Nghị quyết

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương), phiên chất vấn này là chất vấn về lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành tại các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về chất vấn, giám sát chuyên đề; chứ không phải giám sát tất cả các vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương)

“Có những vấn đề không đưa vào nghị quyết thì có thể không được chất vấn tại Kỳ họp này và chủ tọa có thể từ chối, yêu cầu đại biểu Quốc hội chất vấn riêng thành viên Chính phủ ở nội dung khác, chương trình khác. Đây cũng là cách để chúng ta tập trung vào những vấn đề mà Quốc hội đã đưa ra tại Nghị quyết này”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho hay, khi Quốc hội đã đưa ra Nghị quyết này, có nhiều vấn đề đã được giải quyết, tháo gỡ rồi, thì vấn đề còn lại sẽ được các đại biểu tiếp tục chất vấn.

Theo đại biểu, tính chất pháp lý cuối cùng là nghị quyết của kỳ họp, của phiên chất vấn sẽ là cơ sở pháp lý để yêu cầu các trưởng ngành, thành viên Chính phủ tiếp tục thực hiện cam kết của mình.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục