Câu chuyện hòa nhập, chưa bao giờ lỗi thời

(ĐTCK) Sự hòa nhập phải bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người, từ những thay đổi nhỏ nhặt nhất.

Ngày hôm qua, tôi đã rất vui bên cạnh gia đình và bạn bè trong buổi lễ tốt nghiệp của mình. Mọi thứ dường như đẹp đẽ với những bó hoa trên tay và có vô số bức ảnh được lưu lại. Ngày hôm nay, tôi bắt đầu một ngày làm việc mới tại SCB, một ngày bình thường, không mạng xã hội, không còn những lời chúc tụng, chỉ có công việc bên các báo cáo và những bảng số liệu. Tôi không nghĩ mình lại bước sang giai đoạn “dân công sở, ngày 8 tiếng” nhanh đến vậy. Và một lần nữa, câu chuyện hòa nhập của tôi vào một môi trường mới, đã thực sự bắt đầu.

Ông Nguyễn Hưng Phát

Nếu như thời sinh viên, tôi thường hay thức khuya, dậy muộn, tham gia mạng xã hội, xem phim, lướt web…, thì bây giờ, mối quan tâm của tôi chuyển dần sang những cuốn sách tài chính và cập nhật thông tin kinh tế vĩ mô.

Thời sinh viên, tôi vẫn hay băn khoăn về ý nghĩa và tính thực tế của những môn học như kinh tế lượng, xác suất thống kê, thậm chí là kinh tế vĩ mô. Nhưng hôm nay, tôi dần hiểu những kiến thức được truyền thụ từ giảng đường có ích và thực dụng thế nào thông qua công việc mà tôi trực tiếp đảm nhận. Những mô hình kinh tế lượng và những bài báo đầy ắp thông tin đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trở nên thú vị và việc tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng mới dễ dàng hơn rất nhiều.

Sự quan sát thực tế là một phần trong quá trình hòa nhập, tôi đã thấy các anh chị đồng nghiệp của mình thao tác nhuần nhuyễn và nhanh chóng như thế nào khi xử lý công việc hằng ngày. Tôi cũng được trực tiếp tham dự một số cuộc họp ngắn của các anh chị chuyên viên với giám đốc phòng, nhận thấy cách họ tiếp nhận thông tin, xử lý chúng và ra quyết định chính xác như thế nào. Thật là ấn tượng đối với một sinh viên vừa mới tốt nghiệp như tôi.

Tại đơn vị nơi tôi đang công tác, tôi học được cách tư duy, cách nhận định tình huống. Đầu óc của mình phải vận động liên tục, bởi vì hệ thống tài chính luôn biến động mỗi ngày, đầy rủi ro và thách thức. Và thông qua đó, tôi có thể xây dựng một lối tư duy đúng đắn, đóng góp dần vào vốn kinh nghiệm làm việc của bản thân.

Tôi nghĩ rằng, làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung và mảng quản lý rủi ro thanh khoản nói riêng đòi hỏi không chỉ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, mà còn là những đức tính quan trọng trong mỗi con người. Rõ ràng, những đức tính này nên được tích lũy dần qua thời gian, càng sớm càng tốt. Có thể kể đến tính kiên nhẫn, sự chịu đựng áp lực từ công việc, biết kiểm soát tốt bản thân và mang trong mình thái độ cầu thị…

Với cảm nhận của riêng tôi, những đức tính quý báu đó sẽ giúp những nhân viên mới hòa nhập nhanh vào đơn vị mà mình đang công tác. Ở đâu đó, tôi từng đọc được rằng, nghề ngân hàng yêu cầu tính “chiến đấu” rất cao. Rằng nghề ngân hàng đầy rẫy những rủi ro, hiểm nguy khó lường, những áp lực và có thể nhanh chóng bị đào thải nếu không hòa nhập được. Tôi đã từng rất hoang mang trước những thông tin trái chiều của dư luận. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, mình nên trực tiếp làm việc, trực tiếp cảm nhận và biết chắt lọc cái đúng, cái sai. Như vậy, cuộc sống sẽ dễ thở hơn rất nhiều.

Hòa nhập là một quá trình tự vấn bản thân mỗi ngày. Gần 2 năm trước, tôi cảm thấy hồi hộp và lo lắng khi đứng trước những nhà đầu tư để thuyết trình kêu gọi đầu tư cho dự án trong một cuộc thi về khởi nghiệp. Với sự non trẻ và thiếu hụt kiến thức, tôi và những người bạn không thể làm hài lòng những người có mặt ở đó. Và câu hỏi xuất hiện trong tôi khi đó là liệu tôi có đủ năng lực và phù hợp để làm việc trong lĩnh vực tài chính hay không?

Cách đây vài tháng, khi tôi còn đang làm bài khóa luận tốt nghiệp, giảng viên hướng dẫn đã hỏi tôi về những kiến thức tài chính có liên quan. Nhiều câu trả lời không thực sự hợp lý. Tôi lại tự hỏi bản thân rằng, mình có đúng không khi lựa chọn lĩnh vực tài chính? Và ngày hôm nay, những câu hỏi tiếp tục được đưa ra, nhưng trong tôi không còn những băn khoăn về sự phù hợp nữa, mà là những câu hỏi liên quan đến sự hòa nhập và cống hiến cho đơn vị mà mình công tác.

Tại SCB, tôi được chào đón bằng những sự quan tâm nồng ấm từ tất cả đồng nghiệp trong đơn vị. Cứ tưởng rằng những con người làm về tài chính hẳn sẽ rất khô khan, thiếu đi cảm xúc, nhưng tôi đã lầm.Những con người ở nơi đây gợi lại cho tôi cảm giác của những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học.

Ngày đó, tôi đã vui, đã chủ động làm quen và hòa nhập với môi trường mới bằng tất cả sự chân thành và cởi mở của bản thân. Cho đến bây giờ, khi bước sang một giai đoạn mới, tôi tâm niệm, phải luôn giữ sự chân thành và thái độ cầu thị. Tôi tin rằng, đó là một trong những nền tảng vững chắc trên chặng đường sự nghiệp sau này.

Tỷ phú Jack Ma (người sáng lập và điều hành Tập đoàn Alibaba) từng khuyên thế hệ trẻ rằng, hãy học mọi thứ trước tuổi 20, còn trước 30 tuổi hãy học cách khát khao, đam mê và quan trọng nhất là đi theo một người sếp giỏi.

Câu hỏi được đặt ra là người ta sẽ nghĩ như thế nào về trường hợp vừa đi theo những người sếp giỏi, được làm việc chung với những đồng nghiệp xuất sắc và vừa được học thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới? Đó chỉ có thể là may mắn. Hãy trân trọng những cơ hội, để hòa nhập và cất cánh bay lên.

Nguyễn Hưng Phát, Nhân viên Quản lý rủi ro thanh khoản, Phòng Hỗ trợ ALCO - SCB
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục