Câu chuyện đằng sau vụ Tràng Tiền Plaza tạm đóng cửa

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP Group) kỳ vọng, sau đợt đóng cửa tái cấu trúc Tràng Tiền Plaza, Trung tâm thương mại (TTTM) này tiếp tục “sống khỏe”, với doanh thu cho thuê mặt bằng cao hơn trước.
Tràng Tiền Plaza nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm Thủ đô Hà Nội  Tràng Tiền Plaza nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm Thủ đô Hà Nội

Trước thời điểm đóng cửa (từ ngày 4/8 đến 11/8), nhiều thương hiệu, trong đó có GAP, Tommy Hilfiger, Mago do Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu châu (ACFC) thuộc IPP phân phối độc quyền đều treo biển giảm giá các sản phẩm tới 50%.

Tràng Tiền Plaza thông báo, sau tháng 11/2014 đến đầu năm 2015, sẽ thêm nhiều thương hiệu mới sẽ hiện diện tại đây. Từ thương hiệu thời trang, mỹ phẩm trung cấp và cao cấp như Banana Republic, Just Cavalli, Diesel, Guess,  Victoria Secret, Triumph,  Converse, Timberland…

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Tràng Tiền Plaza lại đóng cửa 4 tháng, cộng với việc các thương hiệu vắng khách, giảm giá liên tục… khiến dư luận nghi ngờ về tính khả thi của TTTM cao cấp này. 

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo giới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Group (chủ đầu tư và quản lý Tràng Tiền Plaza) tự tin khẳng định, sau quy hoạch, TTTM cao cấp này vẫn tiếp tục “sống khỏe”, với doanh thu cho thuê mặt bằng cao hơn trước.

 Với 25 năm kinh nghiệm đầu tư, phân phối ngành hàng xa xỉ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã lường trước được kịch bản, thậm chí mỗi năm Tràng Tiền Plaza đều đóng cửa một thời gian để tái cấu trúc.

Được biết, từ lúc khai trương năm 2013 đến nay, việc kinh doanh của Tràng Tiền chia làm 2 phần.

Thứ nhất, cho thuê mặt bằng. Theo IPP, diện tích mặt bằng của Tràng Tiền Plaza có 18.000 m2 sàn, trong khi nhu cầu thực lên đến 60.000 m2. Hiện đã có 123 gian hàng, trong đó có 40 thương hiệu lớn đảm bảo doanh thu tối thiểu cho việc thuê mặt bằng. 

Thứ hai, việc kinh doanh của các thương hiệu tại đây được phân theo 3 nhóm, theo phân khúc cao cấp - trung cấp - phổ thông.

Nhóm 1, gồm các thương hiệu hàng đầu, như Louis Vuitton, Dior... Có thể xem đây là những đại gia có tiềm lực, có khách hàng riêng khá ổn định tại Việt Nam, Cho dù hiện tại, tốc độ tăng trưởng tuy chậm lại, nhưng vẫn đạt mức kỳ vọng.

Nhóm 2, gồm các thương hiệu trung cấp. Phân khúc này hiện đang chịu ảnh hưởng xu hướng tiêu dùng chung chững lại.

Nhóm 3, thuộc các thương hiệu phổ thông sẽ có sự điều chỉnh nhẹ trong đợt tái bố trí mặt bằng lần này, nhưng không nhiều. Nhìn chung, nhóm thứ 3 gồm các nhãn hàng kinh doanh không phù hợp tại Tràng Tiền Plaza, họ gặp nhiều khó khăn và hiểu được cần phải điều chỉnh thương hiệu, ngành hàng để kinh doanh hiệu quả hơn.

Liên quan đến việc quy hoạch lại, có một số quan điểm cho rằng, Tràng Tiền Plaza nên bố trí các gian hàng cao cấp nhất ở tầng cao, thay vì ở tầng 1 và 2 như hiện tại.

Song bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP vẫn cho rằng, tại các TTTM ở nước ngoài, các thương hiệu lớn vẫn phải nằm ở vị trí tầng 1 và 2, Việt Nam cũng không thể khác được.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tràng Tiền (đại diện vốn nhà nước tại Trung tâm Tràng Tiền Plaza) cũng khẳng định, việc xây dựng TTTM  Tràng Tiền là một trung tâm mua sắm cao cấp, sang trọng là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập chung với thế giới.

Được biết, với đợt quy hoạch lại lần này, 70% gian hàng tiếp tục đề nghị ở lại, 5% xin rút ra, 25% đồng ý ở lại và giảm diện tích mặt bằng hoặc chấp nhận di dời.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục