Mọi thể chế, bao gồm cả cảnh sát, cần nghe theo chỉ đạo từ chính quyền Catalonia được bầu dân chủ, Raul Romeva, phụ trách vấn đề đối ngoại Catalonia, nói với BBC Radio hôm nay.
Theo ông Romeva, nền dân chủ Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể tin tưởng được nếu họ cho phép Madrid áp đặt thẩm quyền trực tiếp lên Catalonia.
"Họ có còn đáng tin không nếu cho phép điều này xảy ra?", ông Romeva nói. Bởi vì tôi có thể nói rằng, người dân và các thể chế ở Catalonia sẽ không để chuyện đó diễn ra".
Trong khi đó, Reuters đưa tin Phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaría nói Madrid không có liên lạc nào với chính quyền Catalonia kể từ ngày 21/10. Tây Ban Nha có thể chọn một đại diện để tạm thời điều hành Catalonia.
Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont sẽ mất quyền lực và không còn nhận lương nếu thượng viện Tây Ban Nha thông qua việc can thiệp trực tiếp, theo bà Santamaria. Thượng viện Tây Ban Nha dự kiến có quyết định vào ngày 27/10.
Ông Puigdemont hôm 10/10 ký tuyên bố tách khỏi Tây Ban Nha trong phiên họp nghị viện Catalonia, dựa trên kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 với 90% trong 2,26 triệu người Catalonia đi bỏ phiếu ủng hộ độc lập, nhưng hoãn thi hành.
Madrid hai lần yêu cầu Puigdemont làm rõ họ đã tuyên bố độc lập hay chưa nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Ông Rajoy hôm 21/10 nói Madrid muốn giải tán nghị viện Catalonia và tổ chức bầu cử sớm để khôi phục trật tự tại khu vực. Ông đề nghị thượng viện thông qua quyết định trên, các bộ trưởng chính quyền trung ương sẽ tiếp quản quyền lực của giới chức Catalonia.
Ông Puigdemont lên án động thái trên, gọi đây là "vụ tấn công tồi tệ nhất nhằm vào các thể chế và người dân Catalonia kể từ thời chế độ độc tài quân sự Francisco Franco".