Việc chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do công ty niêm yết vi phạm thuế vẫn là điểm nóng tranh luận trên thị trường, bởi xử lý như thế nào để vừa hợp lý, vừa công bằng là điều nhà quản lý cũng… trăn trở.
Cắt margin vốn được hiểu là một trong những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư đại chúng, khi DN vi phạm các quy định pháp luật, hoặc rơi vào tình trạng đặc biệt về tài chính (không kể những DN chào sàn dưới 6 tháng). Phạt DN là quyền của nhà quản lý, nhưng phạt thế nào để thị trường tâm phục, khẩu phục, lại là điều cần lắng nghe cả DN và các chủ thể liên quan.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng cho rằng, DN nợ thuế đã có pháp luật xử lý bằng các chế tài ngành thuế. Do vậy, không nên phạt 2 lần trên 1 loại lỗi. Đặc biệt, vi phạm thuế đến từ nhiều lý do, có những lý do rất đơn giản, hoặc chỉ là sự khác biệt trong cách hiểu giữa DN và cơ quan thuế.
Vì thế, cơ quan quản lý cần xem xét bản chất một cách thấu đáo để tránh trường hợp nhiều DN kinh doanh tốt, nộp thuế hàng chục tỷ, thậm chí trăm tỷ đồng mỗi năm, mà cổ phiếu không được margin chỉ vì bị phạt vài chục triệu đồng tiền thuế.
Nhà đầu tư Hoàng Đình Hùng tại sàn giao dịch của CTCK BIDV (BSC) cho rằng, các biện pháp đưa ra hướng đến việc bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư là tốt, nhưng trong trường hợp này, nhà quản lý có lẽ đã lo… quá đà.
"Nếu DN nợ thuế nhiều đến mức có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh, hành vi nợ thuế có dấu hiệu nghiêm trọng xâm phạm đến lợi ích của các cổ đông, hoạt động kinh doanh của DN bị ảnh hưởng tiêu cực, hoặc vi phạm bị nhắc nhở nhiều lần không có biện pháp khắc phục..., thì khi đó mới cần áp dụng thêm các biện pháp khác như cắt margin. Nếu DN mới chỉ bị nhắc nhở một lần, hoặc không phải do DN cố tình vi phạm, hoặc các lý do khách quan dẫn đến việc vi phạm thuế, thì việc cắt margin là không thật sự cần thiết", nhà đầu tư này phân tích.
Trước phản ánh của nhiều DN và nhà đầu tư, HOSE từng tạm dừng thực hiện cắt margin với DN vi phạm thuế, chờ xin ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sở đã kiến nghị Ủy ban xem xét sửa đổi quy định này theo hướng phân loại các vi phạm, không áp dụng với những vi phạm về thuế với giá trị nhỏ, vi phạm không cố ý và có tính khách quan do nhận thức khác nhau về quy định thuế giữa DN và cơ quan thuế… Tuy nhiên, điểm khó nhất trong câu chuyện này là phân định thế nào là vi phạm nhỏ, thế nào là vi phạm nghiêm trọng đến mức cần phải áp dụng thêm hình thức dừng margin.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một CTCK ở Hà Nội cho rằng, có thể tiếp cận vấn đề theo cách khác. Trường hợp DN vi phạm thuế mà cần áp dụng thêm hình thức phạt là cắt margin thì cũng nên tùy vào trường hợp vi phạm để đưa ra các chế tài, từ giảm dần tỷ lệ cho vay cho đến cắt hẳn.
Vị này cũng cho rằng, dòng tiền margin nên để thị trường tự quyết định, hơn là nhà quản lý can thiệp và can thiệp sâu như hiện nay.
Quy chế giao dịch kỹ quỹ có quy định cắt margin với DN vi phạm thuế có hiệu lực từ 1/4/2017 đã gặp nhiều phản ứng từ thị trường. Không ít dẫn chứng cụ thể đã được nêu ra, như việc DN chỉ vi phạm 6 triệu đồng vì ghi sai một tờ hóa đơn mà cổ phiếu cũng bị cắt margin là chưa thực sự thuyết phục.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, vấn đề thị trường nêu lên, nhà quản lý đã nhận ra sự bất cập và đang tìm hướng sửa. Điều trăn trở là nên sửa như thế nào để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa đảm bảo tính răn đe của pháp luật, vừa tạo hành lang phù hợp cho các DN lành mạnh phát triển, vẫn cần thời gian để tính kỹ và cần thêm các sáng kiến từ thị trường.