Theo kết quả nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017 được dẫn tại cuộc tọa đàm, chi phí kinh doanh nói chung và thuế nói riêng tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, số tiền thuế phải nộp thường chiếm khoảng 39% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore; chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng cao gấp gần 4 lần so với Singapore, 3 lần so với Philipin...
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, đây cần được xem như một thông điệp cảnh báo cấp thiết tới các cơ quan nhà nước về mức độ áp lực thuế, phí mà các doanh nghiệp phải chịu, đồng thời là thước đo về môi trường kinh doanh, cũng như các chính sách quản lý.
Từ đó, phải có sự nhìn nhận, đánh giá lại để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, rà soát lại môi trường kinh doanh để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
“Đó là còn chưa kể tới các khoản chi phí không chính thức, mà theo số liệu công bố gần đây của kết quả PCI thì có tới hơn 60% doanh nghiệp phải thường xuyên trả các chi phí này để duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu bổ sung.
Theo ông Hiếu, không chỉ là những khoản chi phí có thể “quy ra tiền” ngay như thuế, phí, lệ phí, mà đáng lo ngại hơn, chi phí chưa được lượng hóa là những khoản rất lớn như chi phí thời gian và chi phí cơ hội đang làm tăng gáng nặng chi phí đầu vào, từ đó tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến khả năng, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí cao khiến lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có nguồn thu để tái đầu tư cho sản xuất-kinh doanh”, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Ngô Văn Điểm nhìn nhận.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Điểm cho biết, về chi phí vận tải, xe chạy Bắc-Nam phải qua 40 trạm thu phí, chỉ tính riêng tiền phí mà xe con chịu đã là 1,3 triệu đồng, còn xe tải thì cao gấp 5-10 lần.
“Vấn đề nhức nhối nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân là chi phí không chính thức. Có 9-10% doanh nghiệp trong Hiệp hội phản ánh chi phí không chính thức chiếm tới 10% doanh thu”, ông Điểm nhấn mạnh.
Theo ông Điểm, nếu không có biện pháp chấn chỉnh lại tình trạng này thì các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, sẽ rất khó có thể duy trì và phát triển.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, để doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế, khu vực này cần có môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, giảm được chi phí bất hợp lý. Khi sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân nhiều lên, ngân sách nhà nước sẽ lớn mạnh hơn, bổ sung chi phí tái đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ cho cả nền kinh tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu khẳng định, Chính phủ nhận thức rất rõ vấn đề này và có những chủ trương, chính sách quyết liệt để thực hiện việc cải cách, điển hình là 2 Nghị quyết 19 và 35. Mặc dù vậy, đến nay, kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra.
Theo khuyến nghị của ông Hiếu, bên cạnh việc kêu gọi doanh nghiệp tự nâng cao tính sáng tạo, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua cải cách thể chế, giảm áp lực chi phí để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, giảm tối đa can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, để thị trường và người tiêu dùng quyết định có nghĩa là Nhà nước phải đi trước trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Phân tích một ví dụ về chi phí cơ hội cho 1 thủ tục hành chính cơ bản, với chi phí ở mức trung bình, theo tính toán của ông Phan Đức Hiếu, nếu thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày và mỗi doanh nghiệp mất 1 người để thực hiện thủ tục đó thì tính ra tiền chi phí khoảng 200.000 đồng/người/ngày.
Như vậy, chi phí cho khoảng 500.000 doanh nghiệp cho mỗi thủ tục hành chính đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể việc doanh nghiệp không thể tiên liệu trước có thành công hay không và số thời gian làm thủ tục thường bị kéo dài hơn so với quy định, khiến doanh nghiệp lỡ mất cơ hội kinh doanh hoặc bị phạt hợp đồng.