Trong phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh với CTCK, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm khá nhiều điều kiện, mà theo nhìn nhận từ phía CTCK là giúp họ “dễ thở” hơn trong hoạt động.
Cụ thể, theo quy định hiện hành về vốn và cổ đông, thành viên góp vốn tại tổ chức kinh doanh chứng khoán thì vốn pháp định cho nghiệp vụ tự doanh chứng khoán là 100 tỷ đồng. Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất giảm điều kiện về vốn đối với hoạt động tự doanh xuống còn 50 tỷ đồng.
Tổng giám đốc một CTCK nhìn nhận, trong bối cảnh các CTCK ngày càng chú trọng hơn đến quản trị rủi ro, việc giảm điều kiện về vốn như phương án của Bộ Tài chính sẽ ít có khả năng gia tăng rủi ro với hoạt động của CTCK, trong khi tạo thuận lợi cho các công ty có quy mô vốn còn hạn chế tham gia triển khai hoạt động này.
Để tạo thuận lợi cho các cá nhân tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ điều kiện: Cá nhân tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng chỉ được sử dụng vốn của chính mình và chứng minh đủ năng lực tài chính thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thay vào đó, Bộ đề xuất làm thoáng điều kiện này theo hướng cá nhân tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán không thuộc các trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định pháp luật về doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn, cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ quy định: Tại thời điểm đăng ký thành lập, tổ chức tham gia góp vốn không có lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét (nếu có)…
Liên quan đến điều kiện hợp nhất, sáp nhập của công ty đầu tư chứng khoán, để “dọn dẹp” các rào cản pháp lý, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ một số điều kiện như việc hợp nhất, sáp nhập; phương án hợp nhất, sáp nhập; hợp đồng hợp nhất, sáp nhập phải được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trường hợp hoán đổi cổ phiếu kết hợp chi trả bằng tiền mặt, cổ đông của công ty bị sáp nhập được nhận khoản tiền thì không vượt quá 10% giá trị tài sản ròng trên một cổ phiếu tại ngày hợp nhất, sáp nhập.
Về điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập và hoạt động chi nhánh của CTCK nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tài chính đưa ra phương án bỏ điều kiện CTCK nước ngoài chỉ được thành lập một chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện: Đang hoạt động hợp pháp, không đang trong tình trạng hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản; được phép thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán dự kiến đăng ký cho chi nhánh tại Việt Nam; cơ quan quản lý giám sát chuyên ngành chứng khoán ở nước bản xứ đã ký các hoạt động hợp tác song phương hoặc đa phương với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán…
… nhưng cần cân nhắc rủi ro
Liên quan đến việc ràng buộc CTCK được cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày (T+0), Nghị định 86/2016 về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán quy định: Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất, tính đến thời điểm đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày… Tuy nhiên, qua rà soát, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất giảm điều kiện về thời gian xuống còn 6 tháng.
Đến nay, tuy nghiệp vụ T+0 chưa được triển khai, nhưng với việc cắt giảm điều kiện này, theo nhìn nhận của CTCK sắp tới khi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép giao dịch T+0 sẽ tạo thuận lợi cho nhiều CTCK tham gia triển khai nghiệp vụ này. Tuy nhiên, đây là ý kiến của CTCK có quy mô vốn vừa, sức khỏe tài chính chưa cao.
Trong khi đó, ý kiến từ CTCK lớn lại cho rằng, T+0 là giao dịch đòi hỏi sức khỏe tài chính của các CTCK phải cao để xử lý rủi ro khi khách hàng mất khả năng thanh toán, trên cơ sở đó đảm bảo tính an toàn hệ thống, tránh rủi ro cho thị trường. Do vậy, việc cắt giảm điều kiện như trên cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh vì việc giảm bớt điều kiện này mà tạo ra rủi ro cho thị trường…
Liên quan đến điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày, dịch vụ kinh doanh, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ ràng buộc CTCK được thực hiện giao dịch ký quỹ sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trên cơ sở đáp ứng các điều kiện: Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn pháp định, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng…
Nhìn nhận về nội dung cắt giảm này, các CTCK cũng có ý kiến trái chiều. Trong khi có ý kiến cho rằng, việc nới lỏng điều kiện này sẽ tạo thuận lợi cho việc tham gia thực hiện giao dịch ký quỹ, thì ý kiến khác cho rằng nếu khâu kiểm soát rủi ro của CTCK không thận trọng, đồng thời việc kiểm tra, giám sát của các sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán không sát sao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho chính CTCK cũng như thị trường.
Ý kiến từ thị trường cho rằng, “làm thoáng” điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động CTCK là cần thiết, nhưng việc cắt giảm điều kiện hoạt động cần xem kỹ lưỡng để tránh phát sinh các rủi ro mới cho thị trường và nhà đầu tư, trong bối cảnh tranh chấp giữa CTCK và nhà đầu tư vẫn diễn biến phức tạp.
Trước những ý kiến trái chiều trên, rõ ràng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải tính đến phương án cắt giảm các điều kiện hoạt động với tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng hài hòa, để làm sao vừa đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng đồng thời phải đảm bảo tiếp tục gia tăng tính an toàn trong hoạt động của các CTCK, để bảo vệ chính sự phát triển bền vững của họ, cũng như giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Giảm mà chưa… cắt
Trong khi ghi nhận việc cắt giảm nhiều điện kiện kinh doanh sẽ làm thông thoáng môi trường hoạt động cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ý kiến từ thị trường cho rằng, khá nhiều điều kiện mới chỉ dừng lại ở “giảm” mà chưa “cắt”, nên chưa thực chất, không mang lại nhiều ý nghĩa trên thực tế. Điều này thể hiện ở một số nội dung cắt giảm về kinh nghiệm làm việc của nhân sự tại tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Cụ thể, liên quan đến điều kiện về nhân sự trong điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động CTCK, pháp lý hiện hành quy định phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong doanh nghiệp khác và có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu 3 năm; không bị xử phạt theo pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ…
Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm theo hướng: Nhân sự phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong doanh nghiệp khác và có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu 2 năm; không bị xử phạt theo pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng 6 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Tương tự, về điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ, yêu cầu đối tượng xin phép thành lập tổ chức này phải có danh sách dự kiến về nhân sự, trong đó có tối thiểu 5 nhân viên có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ; có tổng giám đốc (giám đốc)… và phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm tại các bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất giảm điều kiện về thời gian xuống còn 4 năm.