Carrefour rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á

(ĐTCK-online) Carrefour, tập đoàn kinh doanh chuỗi siêu thị bán lẻ lớn thứ hai thế giới của Pháp, sau Wal-Mart (Mỹ) đã có các động thái muốn rút lui khỏi khu vực Đông Nam Á từ vài tháng nay. Mới đây, Carrefour đã chính thức rao bán hệ thống siêu thị của mình tại 3 quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Carrefour rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á

Cụ thể, Carrefour sẽ bán 43 siêu thị của mình ở Thái Lan, 23 siêu thị ở Malaysia và 2 ở Singapore với tổng giá trị ước lên tới 1 tỷ USD.  

Theo số liệu của Hãng Euromonitor International, lĩnh vực siêu thị ở châu Á có tổng giá trị 389 tỷ USD năm 2009 và dự kiến từ nay đến năm 2014 sẽ tăng bình quân 3,3%/năm, cao hơn mức tăng 21% của lĩnh vực siêu thị trên toàn cầu.

Có người đặt câu hỏi, thị trường Đông Nam Á với khoảng 500 triệu người tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao là một thị trường hấp dẫn, trong khi nhiều “đại gia” khác như Wal – Mart... đang nhăm nhe nhảy vào, thì hà cớ gì mà Carrefour lại muốn tháo lui?

Nhiều chuyên gia về bán lẻ ở Thái Lan và Malaysia nhận xét, ở hai nước này, Carrefour luôn muốn thể hiện đẳng cấp của mình phải là số 1, chiếm thị phần lớn nhất, song thực tế lại chứng minh điều ngược lại.

Tuy có mặt từ đầu những năm 1990 ở cả hai nước này, nhưng Carrefour đã đi sai nước khi một mình “độc lập tác chiến” không cần đến các đối tác bản địa. Trong khi đó, đối thủ Tesco (tập đoàn kinh doanh chuỗi siêu thị bán lẻ lớn thứ hai thế giới của Anh) đến chậm hơn vài năm, song lại liên doanh với các doanh nghiệp địa phương, nên công việc kinh doanh tiến triển rất thuận lợi. Cụ thể, ở Thái Lan, Tesco hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn CP Group, còn tại Malaysia, chọn Tập đoàn Sime Darby làm đối tác chiến lược. Nhờ vậy, chẳng bao lâu, Tesco vượt mặt Carrefour ở cả 2 thị trường trên.

Ông Jit Siratranont, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại Thái Lan nhận xét: “Đường đường chính chính, Carrefour là nhà bán lẻ lớn thứ hai thế giới. Song ở Thái Lan, Carrefour lại đứng ở vị trí thứ 4, sau cả Tesco. Đó có lẽ là lý do khiến Tập đoàn này muốn rút lui khỏi Thái Lan”.

Ông Jon Wright, chuyên gia phân tích về bán lẻ của Euromonitor International cho rằng, 3 thị trường bán lẻ Thái Lan, Malaysia và Singapore với hơn 100 triệu người có sức mua lớn, nên khối tài sản mà Carrefour sắp bán đi không thiếu người muốn mua (hiện đã có 10 doanh nghiệp đăng ký ở vòng 1) và cũng chẳng lo bị lỗ.

Ở Thái Lan, sơ bộ đã có Tesco, Aeon (Nhật Bản), Casino (Pháp) và một số công ty Thái Lan khác như Central Group, Berli Jucker PCL (chuyên sản xuất hàng tiêu dùng...) và thậm chí cả Tập đoàn Dầu khí quốc gia PTT cũng tham gia đấu thầu mua lại khối tài sản của Carrefour. Trong số này, Aeon đã có kinh nghiệm mua lại các siêu thị của Carrefour ở Nhật Bản vào năm 2005. Năm 2000, Carrefour nhảy vào thị trường Nhật Bản để rồi chỉ trụ lại được ở đây đúng có 5 năm.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Malaysia, Mukhriz Mahathir cho biết, đã có nhiều đối tượng đăng ký mua lại các cơ sở của Carrefour ở nước này. Trong khi đó, Công ty bán lẻ NTUC FairPrice (Singapore) và Quỹ đầu tư tư nhân Navis Capital có trụ sở chính ở Kuala Lumpur (Malaysia) cùng vào “chung kết” để giành quyền mua lại 2 siêu thị của Carrefour ở Singapore.

Trước đó, trong tháng 8/2010, Carrefour đã bán 40% cổ phần của mình ở Indonesia cho Trans Corp., một công ty con của Tập đoàn Para Group với cái giá không được tiết lộ (nhưng ước tính nằm trong khoảng từ 300 triệu đến 400 triệu USD).

Năm 2009, doanh thu của Carrefour tại Thái Lan là 598 triệu euro (750 triệu USD), tại Malaysia là 329 triệu euro và tại Singapore là 85 triệu euro. Tổng cộng hơn 1 tỷ euro, đâu phải là con số nhỏ.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận thuần của Carrefour trên toàn cầu là 82 triệu euro (104 triệu USD), tốt hơn rất nhiều so với mức lỗ 58 triệu euro của cùng kỳ năm ngoái.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc Carrefour tháo lui khỏi một số thị trường Asean để dồn vốn tập trung đầu tư vào Ấn Độ, một thị trường có tiềm năng phát triển lớn hơn nhiều. Đây là nước đi mang tính chiến lược, hiểu theo một khía cạnh nào đó có nghĩa là Carrefour sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Được biết, ngay trong tháng 11 tới, Carrefour sẽ khai trương một đại siêu thị (Hypermarket) ở New Delhi.

Một số người thạo tin cho biết, tại Đại hội cổ đông của Carrefour tổ chức vào tháng 5 vừa qua, nhiều cổ đông yêu cầu ông Lars Olofsson, Giám đốc điều hành (CEO) Carrefour điều chỉnh lại chiến lược theo hướng tập trung quay về “chiến đấu” giành giật thị phần ở khu vực châu Âu, chứ không mải mê chinh chiến ở các nơi quá xa. Tuy nhiên, mới đây, ông Lars Olofsson vẫn khẳng định, Trung Quốc (chiếm tới 70% số lượng cửa hàng của Carrefour ở châu Á), cùng với Đài Loan, Ấn Độ là những thị trường chiến lược của Tập đoàn ở châu Á. Ông Lars Olofsson không đề cập gì đến khu vực Đông Nam Á.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục