Carlos Ghosn là vị “kiến trúc sư” đã tạo dựng nên mối liên kết giữa Renault – hãng sản xuất xe Pháp và Nissan, Mitsubishi – 2 nhà sản xuất xe Nhật Bản, hợp thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất trên thế giới.
Ngay sau khi thông tin ông Ghosn bị bắt, Nissan và Mitsubishi đều lên tiếng cho biết họ đã có ý định loại bỏ ông khỏi vị trí Chủ tịch, trong khi Chính phủ Pháp thông báo, họ đang chờ đợi các bằng chứng chứng minh sự phạm tội của vị lãnh đạo này.
Ghosn là công dân Pháp và Chính phủ Pháp hiện đang nắm giữ 15% cổ phần tại Renault, trong khi công ty này nắm giữ 43% cổ phần tại Nissan. Nissan sở hữu 15% cổ phần không có quyền biểu quyết tại Renault và 34% cổ phần tại Mitsubishi.
Trước đó, vào đầu tuần, Carlos Ghosn đã bị giới chức Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc về việc không khai báo các khoản thu nhập được nhận và sử dụng tài sản của công ty vào mục đích cá nhân.
Cụ thể, kết quả thanh tra tại Nissan cho thấy, Ghosn mới chỉ báo cáo với giới chức Nhật Bản một nửa trong số khoảng 88 triệu USD ông nhận được giai đoạn 2011 – 2015, đồng thời có dấu hiệu sử dụng nhiều tài sản của Công ty cho mục đích riêng. Với cáo trạng hiện tại, Ghosn có thể bị xử tù tới 10 năm.
Từ trước tới nay, Ghosn vẫn là tượng đài của ngành công nghiệp sản xuất ô tô, người đã cầm lái đưa cả Nissan và Renault đi lên trước nguy cơ đổ vỡ.
Ông nổi tiếng là người quản lý với khả năng cắt giảm chi phí mạnh mẽ, được mệnh danh là nhà cải cách khi sắp xếp và điều hành cùng lúc 2 doanh nghiệp ô tô cỡ lớn, cùng chia sẻ chi phí, phát triển chung một mô hình và mua nguyên vật liệu cùng nhau.
Đây là lý do sau khi thông tin trên được đưa ra, CEO Mitsubishi Osamu Masuko nhận định: “Tôi không nghĩ rằng sẽ có người nào khác trên trái đất này có khả năng điều hành cả Renault, Nissan và Mitsubishi như Ghosn”.
Việc vị lãnh đạo của cả 3 nhà sản xuất ô tô kể trên bị bắt lại rơi vào đúng thời điểm ngành công nghiệp ô tô đang ở giai đoạn “vừa áp lực, vừa phấn khích”.
- MacDuffie, Giám đốc Chương trình sáng tạo ngành vận chuyển và phương tiện tại Mack Institute for Innovation Management
Với việc tương lai của Ghosn còn khó đoán định, theo các chuyên gia, bài học lớn nhất cho các nhà sản xuất ô tô có liên quan là rủi ro tập trung quá nhiều quyền lực vào một vị lãnh đạo duy nhất.
“Ban lãnh đạo của cả 3 công ty đều làm việc dưới cái bóng của Ghosn và trong hơn 20 năm qua, ông có liên quan tới tất cả các hoạt động tại các doanh nghiệp này. Với chừng đó thời gian, ông có khả năng tạo tác động lớn tới các vị lãnh đạo khác và rõ ràng, đây không phải điều mà các nhà đầu tư mong đợi tại hội đồng quản trị của bất kỳ doanh nghiệp nào”, Tim Hubbard, giảng viên tại Mendoza College of Business, Đại học Notre Dame cho biết.
Đáng chú ý, việc vị lãnh đạo của cả 3 nhà sản xuất ô tô kể trên bị bắt lại rơi vào đúng thời điểm ngành công nghiệp ô tô đang ở giai đoạn “vừa áp lực, vừa phấn khích”, theo MacDuffie, giám đốc Chương trình sáng tạo ngành vận chuyển và phương tiện tại Mack Institute for Innovation Management.
Theo đó, ngành công nghiệp ô tô đang gặp thách thức với rất nhiều những thay đổi, từ phương tiện chạy bằng điện, xe tự lái tới các dịch vụ vận chuyển mới như Uber, cùng các đối thủ mới tới từ Thung lũng Silicon.
Trong bối cảnh này, việc thiếu vắng đi người lãnh đạo bấy lâu, cùng với những trở ngại khi lựa chọn người mới sẽ đẩy cả Nissan, Mitsubishi và Renault vào tình cảnh khó khăn hơn. Theo các chuyên gia, những thay đổi sắp tới tại các doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc vào việc quyền lực của Ghosn tại đây sâu rộng tới mức nào.
Đáng chú ý, theo đánh giá của MSCI, Nissan đang ở mức xếp hạng thấp nhất vì thiếu hiệu quả trong quản lý, mà một trong những nguyên nhân là quá nhiều quyền lực được giao cho một người. Do đó, theo Alan Brett, người đứng đầu bộ phận xếp hạng quản trị của MSCI, việc Carlos Ghosn rời đi có thể là cơ hội để cải thiện cấu trúc quản trị tại cả 3 doanh nghiệp này.