Tại đây, nhiều đại biểu e ngại rằng, với những quy định tại dự thảo thì không chỉ người xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD) sẽ gặp nhiều khó khăn mà cơ quan nhà nước cũng thực hiện không nổi.
Cấp phép căn cứ vào quy hoạch
Vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại hội thảo là dự thảo mới quy định việc cấp GPXD phải căn cứ vào quy hoạch chi tiết (QHCT) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho rằng trước đây QHCT là quy hoạch 1/2000 và quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì quy hoạch 1/500 mới là QHCT, còn quy hoạch 1/2000 là quy hoạch phân khu.
Ông Toàn cho biết, hiện tại TPHCM chỉ mới có 50% các quận - huyện được “phủ kín” quy hoạch 1/2000. Còn quy hoạch 1/500 từ trước đến nay chủ yếu là do chủ đầu tư lập cho dự án chứ các quận - huyện lập rất ít. Do đó, theo ông Toàn, với quy định chỉ có quy hoạch 1/500 mới được cấp GPXD thì thủ tục cấp phép sẽ rất khó.
Từ đó, ông Toàn kiến nghị: Đối với việc cấp GPXD cho nhà ở riêng lẻ thì căn cứ vào quy hoạch 1/2000 và quy chế quản lý kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu mà TP đã ban hành. Còn đối với dự án, nếu khu vực chưa có QHCT thì việc cấp GPXD dựa vào giấy phép quy hoạch như Luật Quy hoạch quy định.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh đồng tình và cho rằng việc cấp GPXD căn cứ vào QHCT sẽ không khả thi. Hiện tỉnh Trà Vinh còn đang điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch 1/2000 cũng chưa được phủ kín bao nhiêu nói gì đến QHCT 1/500.
“Vấn đề không chỉ có thời gian, con người mà phải có kinh phí mới thực hiện được. Nếu quy định cấp GPXD phải căn cứ vào QHCT 1/500 thì cũng mất phải 10 năm nữa các địa phương mới thực hiện được” - vị đại diện này nói.
Một điểm được dự thảo quy định mà nhiều ý kiến lo ngại sẽ kéo dài thời gian cấp GPXD là các khu vực chưa có QHCT thì các công trình đặc biệt và công trình cấp 1 phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng. Các công trình còn lại phải có ý kiến chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
“Một số công trình nằm trong khu vực chưa có QHCT nhưng đã được địa phương cấp giấy phép quy hoạch rồi thì cứ căn cứ vào đó mà CPXD, có cần thiết phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng hay không? Hơn nữa, với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như hiện nay thì không nên quy định thêm thủ tục” - ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, đề nghị.
Với quy định này, nhiều đại biểu cũng bày tỏ ý kiến lo ngại sẽ phát sinh thêm thủ tục, kéo dài thời gian cấp GPXD.
Sau khi nghe góp ý, ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đã thấy được những khó khăn nên sẽ ghi nhận để nghiên cứu thêm.
Kiến nghị bỏ bản vẽ
Tại hội thảo, một số quy định, thủ tục trong dự thảo cũng được nhiều đại biểu đề nghị bỏ để đơn giản thủ tục cho người dân. Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đề nghị không nên yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu chịu lực công trình vào hồ sơ xin cấp GPXD.
Theo ông Tuyến, cấp GPXD là để quản lý về quy hoạch và xây dựng, còn quản lý về chất lượng công trình đã được quy định tại các nghị định khác. Hơn nữa, nếu đưa thêm thủ tục này vào cán bộ thụ lý cũng không đủ chuyên môn để thẩm định, lại mất thêm thời gian đi kiểm tra sẽ làm cho thời gian CPXD kéo dài.
Ông Ngô Văn Dũng, Phó phòng Quản lý Đô thị quận Tân Bình TPHCM, cho biết với quy định trên thì người xin cấp GPXD sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc mới thực hiện được. “Bản vẽ thông thường người dân chỉ phải trả khoảng 10.000 đồng/m², trong khi để thực hiện bản vẽ kỹ thuật kết cấu người dân phải trả khoảng 100.000 đồng/m²” - ông Dũng cho biết.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Toàn nhận xét, ông cảm nhận các thủ tục cấp GPXD được quy định trong dự thảo phức tạp khó khăn hơn, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ. “Tăng cường hiệu quả quản lý nhưng những quy định phải đơn giản và gần gũi để người dân khỏi phải kêu. Đừng vì lo xa quá hoặc để dễ quản lý mà đưa ra những quy định gây khó khăn cho người dân” - ông Toàn thẳng thắn góp ý.
* Điểm mới đáng lưu ý là dự thảo đã có hướng giải quyết đối với công trình xây dựng không phép, sai phép. Cụ thể, đối với công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và đáp ứng các điều kiện để cấp phép thì phải bị xử lý vi phạm theo quy định trước.
Nếu chủ đầu tư muốn tiếp tục xây dựng hoặc muốn bảo toàn công trình thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp GPXD hoặc điều chỉnh GPXD theo quy định. Nếu quá 60 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt mà chủ đầu tư chưa có GPXD hoặc GPXD điều chỉnh thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tháo dỡ công trình xây dựng không phép và tháo dỡ phần xây dựng sai phép đối với công trình xây dựng sai phép.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, cả ngàn trường hợp xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-5-2009 tại TPHCM hiện chưa có hướng xử lý sẽ được giải quyết. |