Xin ông cho biết quan điểm về vụ việc trên?
Tôi cũng như bà con nông dân rất bất bình, bức xúc trước sự việc trên. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, bà con vẫn than phiền nhiều nhất là vấn đề vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Nhiều ý kiến của bà con cho rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát quá lỏng lẻo mới dẫn đến tình trạng trên. Trong nhiệm kỳ vừa qua, có rất nhiều đại biểu đã kiến nghị, tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp.
Đối với những người nuôi thủy sản, đặc biệt là các hộ nuôi tôm, họ rất cần các vật tư nông nghiệp đủ tiêu chuẩn. Nếu gặp phải thức ăn kém chất lượng sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với nông dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ông đánh giá thế nào về việc Tổng cục Thủy sản chậm công bố 800 sản phẩm thủy sản đã được cấp phép “khống”?
Theo tôi việc này cần phải công bố ngay, không thể chậm hơn nữa. Nếu không công bố thì làm sao bà con biết được các sản phẩm nào chất lượng tốt hay không tốt. Mặt khác, việc này không chỉ gây thiệt hại cho bà con nuôi trồng thủy sản mà còn gây thiệt hại cho cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc công bố các sản phẩm giúp bà con tránh mua phải các sản phẩm kém chất lượng, doanh nghiệp làm tốt cũng không bị mang tiếng.
Tôi cũng như bà con nông dân rất muốn câu trả lời rõ ràng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thông tin 800 sản phẩm thủy sản đã được cấp phép “khống” đang lưu thông trên thị trường.
Việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thưa ông?
Đương nhiên ảnh hưởng là rất rõ ràng. Thứ nhất, nếu thức ăn không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thứ hai, do chưa công bố danh sách 800 sản phẩm được cấp phép “khống” nên cũng không thể biết được có những chất gì trong các sản phẩm đó, có chất cấm hay không.
Vì vậy, dẫn đến việc các nước nhập khẩu nghi ngờ và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Ảnh hưởng lớn nhất vẫn là người nông dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo ông cần phải xử lý sai phạm đó như thế nào?
Cụ thể vấn đề ở đây tôi cho rằng, đó là một sai phạm có tổ chức, gây bức xúc trong dư luận. Theo tôi được biết, vụ việc đã được chuyển sang cơ quan công an tiếp tục điều tra. Nhưng việc làm này là quá chậm. Vụ việc này được phát hiện cách đây khoảng 1 năm rồi. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ là xử lý hành chính đối với các cán bộ sai phạm. Theo tôi, việc đó không thể chấp nhận được, điều này làm mất niềm tin đối với nhân dân.
Trước vụ việc trên, tôi cho rằng cần phải xử lý mạnh tay để lấy lại niềm tin cho nhân dân. Nên chăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng trên. Không thể để một cơ quan quản lý vừa cấp phép, vừa kiểm tra, kiểm soát chất lượng như thế được. Bên cạnh đó, cần phải công khai minh bạch các vấn đề. Chẳng hạn, ít nhất phải niêm phong các giấy tờ, văn bản có liên quan đến vụ việc.
Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo rõ vụ việc này. Theo tôi, nếu đơn vị nào không báo cáo thì thủ trưởng đơn vị đó phải ngồi nhà viết báo cáo và cấp phó lên làm thay. Khi nào làm xong báo cáo thì quay lại làm việc, trong quá trình người cấp phó làm tốt trong thời gian đó thì cho thay luôn. Với cách làm đó thì kỷ luật công vụ mới nghiêm được.
Sắp tới, tại Quốc hội sẽ bàn về công tác nhân sự, tôi cũng đề nghị các trưởng ngành cần giải thích rõ ràng trước khi các đại biểu bấm nút phê duyệt chức danh.