Tổng vốn đầu tư của dự án là 2,4 tỷ USD, bao gồm cả 10% dự phòng.
Được biết, công việc tiếp theo sau khi nhận Giấy chứng nhận đầu tư sẽ là ký chính thức các văn kiện của dự án gồm Hợp đồng BOT, Cam kết bảo lãnh của Chính phủ (GGU). Dự kiến thời điểm ký chính thức các văn kiện này là trong nửa cuối của tháng 10/2015.
Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ có 1 năm kể từ khi ký Hợp đồng BOT để hoàn tất việc thu xếp tài chính, trước khi chính thức khởi công xây dựng dự án. Tuy nhiên, nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, nhà đầu tư dự án BOT Duyên Hải 2 đang chạy đua với thời gian để hoàn thành thu xếp và tiến hành khởi công xây dựng dự án trong quý II/2016.
Trước đó vào tháng 12/2014, Bộ Công thương và Công ty Janakuasa đã ký tắt bộ hợp đồng Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2, làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Như vậy kể từ khi được chỉ định là nhà phát triển Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 vào năm 2009, thời gian mà Janakuasa đã đi qua để hoàn tất việc đàm phán các văn kiện liên quan của dự án tới nay là gần 6 năm. Đáng nói là Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 cũng thuộc về nhóm các dự án trọng điểm được tập trung triển khai để đảm bảo cân đối nguồn điện cho khu vực miền Nam từ năm 2015 trở đi.
Dự án nhiệt điện Duyên Hải 2 cũng là 1 trong 4 nhà máy được đầu tư tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất trên 4.200 MW. Ba dự án còn lại gồm Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng đều được đầu tư bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Điện lực Duyên Hải sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 30 tỷ kWh điện hàng năm, có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm cấp điện cho khu vực miền Nam giai đoạn 2015 - 2020 và sau năm 2020.
Đồng hành với Janakuasa trong Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 là Tập đoàn Alstom (Pháp) trong vai trò cung cấp thiết bị chính. Alstom cũng là thương hiệu được bảo chứng sau khi tham gia cung cấp thiết bị chính cho công trình Thủy điện Sơn La (2.400 MW), góp phần không nhỏ trong việc về đích sớm 3 năm so với kế hoạch đặt ra. Alstom hiện cũng đang cấp thiết bị chính cho Dự án Thủy điện Lai Châu (1.200 MW) thi công với khả năng lại về đích sớm 1 năm so với mục tiêu đặt ra.
Mục tiêu được đặt ra cho hệ thống điện Việt Nam từ nay tới năm 2020 là có thêm 30.000 MW công suất mới, tương đương nhu cầu 8 tỷ USD đầu tư hàng năm là những con số đầy thách thức. Trong cơ cấu này, tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân thông qua hình thức BOT và dự án điện độc lập (IPP) của tư nhân trong nước được lên kế hoạch chiếm 47,5%.