Theo báo cáo cập nhật của các địa phương gửi Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, sau 2 tháng triển khai các công việc kể từ phiên họp Hội đồng điều phối vùng lần 3 diễn ra ngày 5/5/2024, tiến độ một số dự án giao thông liên kết vùng đã có chuyển biến rõ rệt.
Chuyển biến rõ nhất là Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có hơn 90% diện tích mặt đường đã được rải đá răm.
Dự kiến đoạn này sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30/4/2025, sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao và vượt khoảng 4 tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu.
Trong khi, đoạn qua tỉnh Đồng Nai đến cuối tháng 7/2024 mới giao được hơn 53/151 ha mặt bằng triển khai Dự án thành phần 1 và khoảng 70 ha mặt bằng cho Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Vì thế, tỉnh Đồng Nai tiếp tục lỡ hẹn hoàn thành bàn giao mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ.
Một dự án quan trọng khác là cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối giữa miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ tính hết tháng 7/2024, khối lượng thi công toàn dự án đạt trên 80%.
Tuyến cao tốc này, đang tập trung thi công nhiều đoạn đã thảm nhựa mặt đường. Theo kế hoạch Dự án sẽ hoàn thành thông xe toàn bộ vào tháng 9/2025
Đối với Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM, sau hơn 1 năm thi công tiến độ đi qua 3 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An đảm bảo đảm bảo tiến độ đề ra.
Riêng đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai do chưa giải phóng xong mặt bằng nên một số gói thầu chưa thi công. Do bàn giao mặt bằng chậm nên khối lượng thi công tại các gói thầu đoạn qua Đồng Nai đạt thấp so với các địa phương lân cận.
Tại Dự án đường Vành đai 3 vấn đề khó khăn hiện tại là thiếu cát đắp nền, nếu không giải quyết sớm tình trạng thiếu cát sẽ ảnh hưởng đến tiến độ trong thời gian tới.
Theo kế hoạch đề ra, phần đường chính của Dự án Vành đai 3, dự kiến thông xe vào cuối năm 2025, hoàn thành toàn bộ Dự án trong năm 2026.
Đối với Dự án đường Vành đai 4 (TP.HCM), đoạn qua tỉnh Bình Dương dự kiến khởi công trong quý III/2024. Hiện tại, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng 2 đợt, việc phê duyệt ranh giới giải phóng mặt bằng đạt 67%.
Vấn đề khó khăn tại Dự án này, do thị trường bất động sản hiện đang gặp khó khăn nên việc đấu giá các khu đất cũng gặp khó khăn và mất thời gian hơn, dẫn đến địa phương chưa có đủ nguồn vốn để thực hiện Dự án đường Vành đai 4.
Do gặp khó khăn về nguồn vốn, một số địa phương có văn bản đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ hoặc có chính sách, cơ chế tháo gỡ nhằm tăng tỷ lệ điều tiết nguồn ngân sách địa phương được hưởng để tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên vùng.