Chậm cập nhật trạng thái, MSBS gây thiệt hại 247 triệu đồng cho NĐT?
ĐTCK vừa nhận được đơn thư phản ánh của bà Mai Tố Uyên, nhà đầu tư mở tài khoản tại CTCK MSBS từ năm 2011. Theo phản ánh của bà Uyên, trong tháng 2/2015, bà đã hoàn thành thủ tục lưu ký 92.400 cổ phiếu HAH tại MSBS và cổ phiếu đã về tài khoản trước ngày 10/3/2015.
Trong ngày giao dịch đầu tiên (11/3) của cổ phiếu của HAH, bà Uyên có kế hoạch bán 30.000 cổ phiếu HAH với mức giá trần ngay khi bắt đầu phiên giao dịch (48.000 đồng/CP). Bà Uyên đặt lệnh vào lúc 9h05 phút qua hệ thống giao dịch trực tuyến thì được thông báo không có số dư chứng khoán để bán, trong khi thị trường đang có dư mua với khối lượng hơn 60.000 cổ phiếu ở mức giá trần. Ngay lập tức, bà Uyên đã liên lạc với chuyên viên tư vấn của CTCK MSBS để thắc mắc thì nhận được câu trả lời, đây là sai sót của chuyên viên Công ty do chưa kịp thời chuyển trạng thái cổ phiếu HAH từ chờ giao dịch sang danh mục đầu tư để sẵn sàng giao dịch. Đến 9h26' cùng ngày, bà Uyên nhận được thông báo của chuyên viên tư vấn là cổ phiếu đã được chuyển trạng thái và sẵn sàng giao dịch.
Ngay sau đó, bà Uyên đã đặt 2 lệnh bán cổ phiếu HAH liên tiếp, một lệnh bán 20.000 cổ phiếu và một lệnh bán 10.000 cổ phiếu, cùng với mức giá 48.000 đồng/CP, nhưng lúc này giá khớp lệnh HAH đã đi xuống sau khi thị trường khớp thành công số lượng hơn 100.000 cổ phiếu HAH với mức giá 48.000 đồng/CP, nên cả hai lệnh của nhà đầu tư Uyên đều không khớp.
Những ngày tiếp sau đó, bà Uyên bán dần số cổ phiếu này với mức giá thấp hơn (7.090 cổ phiếu được bán với giá 44.200 đồng/cổ phiếu; 1.130 cổ phiếu được bán với giá 41.300 đồng/cổ phiếu; 7.290 cổ phiếu với giá 41.200 đồng/CP; 5.000 cổ phiếu với giá 38.400 đồng/CP; 1.630 cổ phiếu với giá 36.000 đồng/CP; 8.810 cổ phiếu với giá 35.810 đồng/CP). Theo tính toán của bà Uyên, việc mất đi cơ hội bán 30.000 cổ phiếu HAH với mức giá 48.000 đồng trong phiên chào sàn do sự sai sót và chậm trễ từ phía MSBS trong quá trình quản lý tài khoản đã gây thiệt hại hơn 247 triệu đồng cho nhà đầu tư này.
Ngày 12/3/2015, bà Uyên đã làm đơn khiếu nại gửi MSBS yêu cầu bồi thường số tiền thiệt hại trên. Đến ngày 17/3/2015, bà Uyên nhận được công văn trả lời từ phía MSBS với nội dung từ chối trách nhiệm của Công ty trong sự cố cổ phiếu có trong tài khoản mà không giao dịch được trước thời điểm 9h26’ ngày 11/3/2015. Theo giải thích của MSBS thì đây là lỗi của Sở GDCK TP. HCM đã không gửi “thông điệp mã danh sách giao dịch cổ phiếu mới niêm yết” cho MSBS dẫn tới việc khách hàng Uyên không thể giao dịch bán cổ phiếu này và Công ty không chịu trách nhiệm gì.
“Nội dung công văn này hoàn toàn trái ngược với những trả lời ban đầu của Công ty MSBS do lỗi chủ quan của chuyên viên Công ty… Cách thức giải quyết vụ việc và nội dung trả lời của MSBS là không trung thực, thiếu trách nhiệm, không thỏa đáng và thiếu tôn trọng khách hàng”, đơn thư của bà Uyên viết.
MSBS nói gì?
Trước phản ứng của khách hàng, ĐTCK đã liên hệ với MSBS. Đại diện MSBS xác nhận, Công ty có nhận được đơn khiếu nại của nhà đầu tư Mai Tố Uyên và đã có Công văn trả lời.
Theo MBSB, như trong công văn phúc đáp nhà đầu tư này, nguyên nhân dẫn đến việc bà Uyên không đặt được lệnh bán cổ phiếu HAH ngay đầu phiên chào sàn của cổ phiếu này (11/3/2015), là theo quy định của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), trước ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu mới niêm yết, hệ thống giao dịch của HOSE sẽ gửi thông điệp danh sách mã giao dịch cổ phiếu mới niêm yết về cho các CTCK thông qua cổng giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, đến cuối ngày 10/3, hệ thống giao dịch trực tuyến của MSBS không nhận được thông điệp danh sách mã giao dịch mới niêm yết. Theo MSBS thì trường hợp này có thể xảy ra tại bất kỳ CTCK có giao dịch trực tuyến với HOSE.
Chính vì vậy, cổ phiếu HAH đã không hiển thị trên hệ thống giao dịch trực tuyến của MSBS (11/3). Ngay khi phát hiện ra điều này, bộ phận kỹ thuật đã xử lý và đưa cổ phiếu HAH bắt đầu giao dịch bình thường từ khoảng 9h10 đến 9h15 (tức chậm 10-15 phút). Theo giải thích của MSBS, đây hoàn toàn là do lỗi kỹ thuật, chứ không liên quan đến đạo đức nghề nghiệp.
MSBS cũng cho biết, ngay trong điều khoản ban đầu ký với nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch là trong điều kiện giao dịch thông qua trực tuyến thì có thể xảy ra những rủi ro thì nhà đầu tư hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, khi rủi ro đó do hệ thống kỹ thuật.
Trên thực tế, việc nhà đầu tư bị thiệt hại trong giao dịch do lỗi hệ thống, thậm chí lỗi từ nhân viên CTCK đã từng có tiền lệ. Trả lời đơn thư khiếu nại của bà Uyên, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, UBCK đã nhận được đơn khiếu nại của nhà đầu tư và trong vai trò của mình, UBCK đã yêu cầu MSBS giải trình cụ thể. Nếu hai bên không tự thương lượng được với nhau thì có thể làm đơn ra tòa án.