Cao su Sao Vàng (SRC): Kinh doanh đi xuống, cổ phiếu thăng hoa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu SRC của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng gây bất ngờ với mức tăng gần 50% trong khoảng một tháng qua, hiện ở vùng đỉnh giá 4 năm gần nhất.
Sản phẩm của Cao su Sao Vàng kém sức cạnh tranh với các thương hiệu trong nước và nhập khẩu. Sản phẩm của Cao su Sao Vàng kém sức cạnh tranh với các thương hiệu trong nước và nhập khẩu.

Ngược chiều giá cổ phiếu - nội tại doanh nghiệp

Đáng nói, đà tăng của cổ phiếu SRC diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhịp điều chỉnh từ sau kỳ nghỉ lễ 2/9 tới nay và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không lấy gì làm tích cực. Tuy là một trong những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm săm lốp đầu tiên của Việt Nam, với cơ cấu sản phẩm khá đa dạng, gồm săm lốp máy bay, ô tô, xe máy, xe đạp…, nhưng sức cạnh tranh của SRC đi xuống theo thời gian.

Theo SRC, thị trường săm lốp ô tô khó khăn do lốp nội tăng giá, trong khi hàng Trung Quốc, đặc biệt là Chengshin, Maxxis không tăng giá, dẫn đến tiêu thụ khó. Lốp xe máy không săm dần thay thế lốp có săm, Công ty đã sản xuất lốp không săm nhưng chủng loại chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Rào cản kỹ thuật làm giảm sản lượng xuất khẩu do Công ty chưa được cấp chứng nhận chất lượng GSO để xuất khẩu sang các nước Trung Đông.

Thực tế, không những không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan…, mà SRC còn yếu thế trước các doanh nghiệp trong nước như Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (mã CSM) và Công ty cổ phần Cao su Ðà Nẵng (mã DRC).

Đáng chú ý, xu hướng chuyển đổi lốp ô tô từ bias sang radial đã diễn ra rất nhiều năm, nhưng SRC chưa sản xuất được dòng sản phẩm này. Trong khi DRC đã đưa nhà máy sản xuất lốp radial quy mô lớn từ năm 2013 và CSM đã khánh thành nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép đầu tiên từ năm 2014.

Với những lý do này, dễ hiểu tại sao SRC không thể hoàn thành mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2022. Cụ thể, năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt lần lượt 915,2 tỷ đồng và 38,2 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, SRC mới chỉ hoàn thành 45,8% kế hoạch doanh thu và 38,2% kế hoạch lợi nhuận.

Nửa đầu năm 2023, SRC đạt hơn 477 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 13,6 tỷ đồng, giảm gần 69% so với cùng kỳ.

Năm 2023, SRC đặt mục tiêu đạt 2.000 tỷ đồng doanh thu tiêu thụ, cao gấp 2,1 lần so với năm 2022 (trong đó, doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 970 tỷ đồng, doanh thu thương mại và doanh thu khác đạt 1.030 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 100 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với năm 2022. Nửa đầu năm, Công ty ghi nhận hơn 477 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 13,6 tỷ đồng, giảm gần 69% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty mới thực hiện được gần 24% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2019 tới nay, lợi nhuận của SRC chưa có năm nào chạm mốc 100 tỷ đồng.

Sức hút từ cổ đông lớn?

Diễn biến gần đây của cổ phiếu SRC gợi nhắc tới thời điểm đầu năm 2019, khi chỉ trong 7 phiên giao dịch đầu năm, cổ phiếu SRC đã tăng 33% với thanh khoản cải thiện rõ rệt. Sức hút của cổ phiếu này đến từ quỹ đất giá trị lớn mà SRC đang sở hữu và có kế hoạch triển khai dự án bất động sản thương mại.

Cụ thể, tháng 11/2015, SRC đã công bố hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Tĩnh, để phát triển khu đất vàng có diện tích 62.438 m2 tại số 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) thành một tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp để bán và cho thuê.

Khu đất này vốn là nơi đặt nhà máy của SRC, nhưng phải di dời theo quy hoạch đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội. Với chiều dài mặt tiền 250 m ở tuyến phố lớn, khu đất được đánh giá cao về tiềm năng sinh lời.

Cao su Sao Vàng và Hoành Sơn lập ra một công ty liên doanh là Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn để triển khai dự án. Ban đầu, công ty liên doanh này có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng và đến năm 2017 được nâng lên 500 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập đến khi tăng vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu của Cao su Sao Vàng tại công ty liên doanh được duy trì ở mức 26%, số còn lại do Hoành Sơn sở hữu.

Cùng với hợp tác phát triển dự án, hai bên cũng thống nhất việc Hoành Sơn sẽ hỗ trợ SRC 435 tỷ đồng (chưa bao gồm các loại thuế) để di dời nhà máy về Khu công nghiệp Châu Sơn (Phủ Lý, Hà Nam). Hiện việc di dời nhà máy đã bị dừng lại và dự án tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp để bán và cho thuê cũng giậm chân tại chỗ nhiều năm nay.

Tại thời điểm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái vốn tại SRC từ 51% xuống 36% vào giữa năm 2019, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn đã thâu tóm gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC. Đến cuối năm 2019, tại đại hội cổ đông bất thường của SRC, ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn được bầu vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị SRC nhiệm kỳ 2016 - 2021. Sau đó không lâu, ngày 28/12/2019, ông Sơn chính thức giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị SRC.

Đến tháng 7/2020, Tập đoàn Hoành Sơn thông báo hoàn tất mua vào gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC, chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Cao su Sao Vàng, với tỷ lệ sở hữu 24,5%. Giao dịch này sau đó đã khiến Tập đoàn Hoành Sơn bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 110 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Hiện tại, ông Sơn vẫn đang giữ vị trí Chủ tịch SRC và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn vẫn đang nắm 24,54% vốn của SRC, là cổ đông lớn thứ hai tại đây, chỉ sau Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (nắm 36%).

Thông tin mới nhất liên quan tới Tập đoàn Hoành Sơn là tập đoàn này đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện việc khảo sát, triển khai dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, thay cho Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và Phát triển thương mại Việt An xin rút trước đó. Khu đất này có quy mô 149,2 ha, từng được quy hoạch là khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).

Từ đề xuất của Tập đoàn Hoành Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà có ý kiến thống nhất, giao UBND TP. Hà Tĩnh cùng UBND huyện Thạch Hà và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền các nội dung liên quan theo đúng quy định…

Theo thông tin tại website của Hoành Sơn, Công ty được thành lập bởi ông Phạm Hoành Sơn vào năm 2001, trụ sở chính tại tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động đa ngành: thương mại (phân bón, xi măng, than, quặng sắt…), vận tải, xây dựng… Tập đoàn có tổng tài sản 250 triệu USD, doanh thu hàng năm 180 triệu USD và hơn 2.000 nhân viên.

Hoành Sơn là đơn vị đã triển khai nhiều dự án xây dựng lớn như Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng), Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỷ đồng); Dự án Khu công nghiệp Cổng Khánh 2 (350 tỷ đồng), Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng); hệ thống kênh xả lũ Khu kinh tế Vũng Áng (gần 300 tỷ đồng), Dự án Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng…

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng gây chú ý với việc có nhiều dự án chậm triển khai, dang dở.

Trong đó, dự án cảng Phước An (Đồng Nai) với tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng đã được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay chưa hoàn thành; dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn triển khai đã 6 năm, 2 lần gia hạn tiến độ, đến nay chưa đưa vào hoạt động…

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục