Cao su Phước Hòa (PHR) nhận quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án KCN Việt Nam – Singapore III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR – sàn HOSE) nhận được quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Việt Nam – Singapore III.
Cao su Phước Hòa (PHR) nhận quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án KCN Việt Nam – Singapore III

Theo đó, ngày 12/1/2022, công ty nhận được quyết định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Việt Nam – Singapore III, để làm cơ sở cho UBND tỉnh Bình Dương thu hồi đất, phê duyệt phương án đền bù cho Cao su Phước Hòa.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án thành phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Việc thực hiện giai đoạn 2 sẽ được triển khai trong trường hợp giai đoạn 1 đã lấp đầy trên 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê và giao UBND tỉnh xem xét giao đất, cho thuê đất đối với giai đoạn 2 khi đáp ứng điều kiện đối với giai đoạn 1 của dự án.

Thủ tướng cũng lưu ý nhà đầu tư (Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore) chỉ được thực hiện dự án sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư,...

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan có liên quan cập nhật vị trí và diện tích sử dụng đất của khu công nghiệp vào quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm từ 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Được biết, dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Việt Nam – Singapore III có quy mô 1.000 ha, được đầu tư xây dựng tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm với tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng. Khu công nghiệp VSIP III được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016.

Về hoạt động kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2021, PHR ghi nhận doanh thu đạt 1.279,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 340,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,4% và giảm 53,1% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm công ty không ghi nhận thu tiền bồi thường thực hiện dự án so với cùng kỳ ghi nhận 556,1 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021.

Tính tới 30/9/2021, tổng tài sản của PHR giảm 7,1% so với đầu năm về 6.074,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.067,8 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.744,5 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 506,6 tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng tài sản…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/1, cổ phiếu PHR tăng 3.500 đồng lên 82.000 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục