Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang “bơm” tiền?
Nhân viên giao dịch của Ngân hàng M trao đổi với người viết bài: “Chị ơi, ngân hàng em vừa triển khai chương trình gửi tiền trúng thưởng 100% tại quầy. Chị có món tiền nhàn rỗi nào qua ủng hộ ngân hàng em nhé”. Người viết đề nghị cho biết cụ thể hơn về chương trình, nhân viên đó nói: “Cứ mỗi 100 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn tối thiểu 3 tháng, chị sẽ được quay thưởng trực tiếp tại quầy, em đảm bảo chị sẽ trúng ngay 1 triệu đồng”.
Hiện nhà băng này đang huy động kỳ hạn 3 tháng từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng với lãi suất 5,2%/năm. Với món tiền 100 triệu đồng gửi tiết kiệm thời hạn 3 tháng thì được tặng ngay 1 triệu đồng, tương ứng với lãi suất khoảng 4%/năm cộng thêm 5,2%/năm lãi suất niêm yết khi gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ được hưởng tổng cộng lãi suất vào cuối kỳ là 9,2%/năm. Một mức lãi suất vô cùng hấp dẫn.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đang dao động trong khoảng từ 0,5-1%/năm.
Giám đốc Khách hàng cá nhân một ngân hàng TMCP cho biết, chi nhánh nhà băng này đã gặp khó khăn khi một khách hàng VIP gửi 80 tỷ đồng có kỳ hạn, nhưng 20 tỷ đồng không kỳ hạn lại nhất định chuyển sang một ngân hàng khác, do ngân hàng đó đề nghị mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 1 tháng đối với món tiền từ 500 triệu đồng trở lên.
“Chúng tôi không thể cạnh tranh với chế độ ưu đãi ‘khủng’ dành cho khách hàng VIP của ngân hàng đó, nên đành phải dùng tình cảm để giữ chân khách hàng của mình”, vị Giám đốc trên nói.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng qua đêm hiện nay lại là một điểm thú vị khác. Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đang dao động trong khoảng từ 0,5-1%/năm.
“Lãi suất này mà dưới 1%/năm cho thấy, thị trường đang rất dư tiền”, Giám đốc tiền tệ một ngân hàng nhận định.
Thông tin đáng chú ý nữa là từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào gần 7 tỷ USD, tương đương 150.000 tỷ đồng. Song song với đó, NHNN cũng đã hút vào hơn 100.000 tỷ đồng, nghĩa là lượng tiền thừa trong hệ thống từ việc mua USD khoảng 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, việc phát hành trái phiếu từ Bộ Tài chính thời gian qua cũng rất tốt, với minh chứng cụ thể là đến thời điểm ngày 23/5/2016, trái phiếu kỳ hạn 5 năm phát hành được 5.930 tỷ đồng với lãi suất 6,18%, tăng 4 điểm; trái phiếu kỳ hạn 10 năm phát hành được 100 tỷ đồng, lãi suất không đổi 6,94%.
“Đặc biệt, lượng tiền NHNN tái cấp vốn cho các ngân hàng âm vốn chủ sở hữu, NHNN mua lại với giá 0 đồng… được ‘truyền tai’ không chính thức với số lượng không nhỏ. Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu xong, nhưng cũng chưa sử dụng đến, mà để tiền tại các ngân hàng Nhà nước chi phối rất nhiều. Những món tiền này góp phần làm thanh khoản trên thị trường dồi dào như hiện nay”, vị Giám đốc Tiền tệ trên nói.
Tiền vẫn đang trong ngân hàng?
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, tăng trưởng tín dụng đến khoảng giữa tháng 5 mới đạt 3,8%. Đây là con số khá thấp so với mức của cùng thời gian này năm ngoái, với mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 4,8%. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tăng trưởng GDP quý I/2016 thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, quý I/2015 đạt 5,46%, quý II/2015 đạt 6,12%.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào gần 7 tỷ USD, tương đương 150.000 tỷ đồng. Song song với đó, NHNN cũng đã hút vào hơn 100.000 tỷ đồng, nghĩa là lượng tiền thừa trong hệ thống từ việc mua USD khoảng 50.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 đã tăng mạnh. Số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 cho biết, 4 tháng, cả nước có gần 29.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoặc ngừng hẳn hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động là 25.000 doanh nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ; tính trung bình, mỗi tháng có hơn 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, mỗi ngày có đến 240 doanh nghiệp phá sản.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, tăng trưởng tín dụng thấp không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng GDP thấp, nhưng chắc chắn có tác động không nhỏ. Do vậy, cùng với yêu cầu của Chính phủ, hệ thống ngân hàng giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, dự báo Thông tư 36 sẽ chưa có sửa đổi đồng thời với đó, dự trữ bắt buộc giảm để kéo lãi suất xuống, nhưng lãi suất có hạ được hay không là một câu chuyện khác.
Việc các ngân hàng không giảm được lãi suất, nguyên nhân chính được chỉ rõ, đó là do những món nợ xấu được dồn về Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và phần lớn vẫn đang “nằm ì” tại đây.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, các ngân hàng mỗi năm vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro từ 10-20%/năm trên món nợ xấu đó, tùy theo trái phiếu đặc biệt mà các ngân hàng TMCP nhận về từ VAMC là 5 năm hay 10 năm. Chính vì vậy gây ra chi phí lớn, cộng thêm nợ xấu mới tiếp tục phát sinh do doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, đẩy chi phí hoạt động của ngân hàng cao hơn…
“Ví dụ, ngân hàng có tới 30 đồng nợ xấu sẽ buộc phải huy động thêm vốn để trả cho người gửi tiền trước đó, trước khi nghĩ đến việc cho vay ra nhằm tạo lợi nhuận bù đắp cho phần nợ xấu cũ”, TS. Hiếu nói.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói: “Nếu phân tích các chỉ tiêu tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam và so sánh với các nước trong khu vực, thì có thể ước lượng được khối lượng nợ xấu còn khá lớn. Điều đáng lo ngại là một loạt các ngân hàng TMCP vừa và nhỏ đang rất chật vật với việc tìm nguồn vốn để hoàn lại khối lượng lãi dự trữ khổng lồ (thực chất là lỗ) và để bù đắp tài sản xấu đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh doanh nghiệp chưa thực sự khởi sắc, đã khiến các ngân hàng này có thể gặp những rủi ro thanh khoản trong tương lai”.