Cạnh tranh hút tiền gửi bằng tiết kiệm trực tuyến

(ĐTCK) Những người trẻ ngày càng ít tới quầy giao dịch của ngân hàng, họ nhận lương và thu nhập qua tài khoản, số tiền dư ra cần gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao. Vì vậy, việc cạnh tranh thu hút vốn không chỉ nóng ở quầy giao dịch mà còn cả trên mạng điện tử.
ACB là một trong những ngân hàng có lãi suất online ưu đãi hơn tại quầy.

Chỉ cần một cú click chuột hoặc vài thao tác chạm trên điện thoại di động là khách hàng đã có thể mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán hay tái tục chỉ trong vòng vài phút mà không cần trực tiếp đến ngân hàng giao dịch. Đồng thời, khách hàng còn có thêm nhiều sự lựa chọn với các kỳ hạn gửi đa dạng từ 1 đến 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.

Thường xuyên sử dụng sản phẩm tiết kiệm trực tuyến, anh Thành Hưng (ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM) đưa ra quan điểm: “Việc sử dụng số tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm trực tuyến theo tôi là giải pháp tài chính hợp lý và hữu hiệu. Bởi, không cần đến ngân hàng giao dịch, lãi suất lại cao hơn tại quầy và khi cần thì có thể tất toán nhanh chóng”.

Không chỉ đáp ứng tối đa nhu cầu của đông đảo khách hàng trong cuộc sống bận rộn ngày nay, mà đối với các ngân hàng, việc đẩy mạnh thu hút thị phần tiền gửi trực tuyến còn giúp tiết kiệm chi phí hơn so với giao dịch tại quầy, tối đa hóa hiệu quả hạ tầng công nghệ hiện đại đã đầu tư, đồng thời hạn chế một số rủi ro…

Câu chuyện trên là một ví dụ phản ánh thực tế không ít nhà băng đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm trực tuyến với mức chênh lệch so với gửi tiền tại quầy cao nhất lên đến 1%/năm kỳ hạn 6 - 12 tháng.

Ghi nhận trên thị trường của Báo Đầu tư Chứng khoán, lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại ACB đang cao hơn mức 0,3%/năm (0,3 điểm phần trăm) so với lãi suất gửi tại quầy cùng kỳ hạn, ABBank cao hơn mức 0,2%/năm, PVcomBank là 0,2%/năm... Cao nhất đang thuộc về Nam A Bank với mức cộng thêm 0,4 điểm phần trăm.

Theo ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Khối Kinh doanh Nam A Bank, huy động tiết kiệm online giúp cho Ngân hàng giảm bớt chi phí so với huy động tại quầy nhờ tiết kiệm thủ tục, nhân sự phục vụ, giấy tờ,… 

Phần giảm đi này là cơ sở để các ngân hàng tăng thêm lãi suất cho khách hàng cũng như đưa ra chương trình khuyến mại. So với lãi suất huy động tiền gửi thông thường, hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến đã lên đến 8,5 - 9%/năm tại một số ngân hàng.

Ngoài lãi suất tiết kiệm online ưu đãi, ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng cũng đang thu hút tiền gửi tiết kiệm thông qua công cụ chứng chỉ tiền gửi. Chẳng hạn, VietABank vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mức lãi suất cao kỷ lục, lãi suất vượt mốc 9%/năm. Hay như Sacombank, ngân hàng này đang phát hành chứng chỉ tiền gửi trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) nhận mức lãi suất 8,6%/năm…

Các ngân hàng BIDV, SHB, MSB… cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để huy động vốn trung dài hạn từ thị trường, với mức lãi suất cao nhất có thể lên tới 8,9%/năm, nhằm đáp ứng cầu vốn tăng cao.

Nói về nguyên nhân khiến lãi suất ngân hàng tăng cao, giới phân tích tài chính cho rằng, lãi suất leo cao ở mặt bằng đã được tạo lập từ cuối năm 2018 đến nay ngoài lý do gia tăng huy động, đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN còn có lý do nhiều ngân hàng thương mại chuyển hướng đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt, đảm bảo mức sinh lời cần thiết nên có cơ sở để duy trì lãi suất huy động cao.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục