Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các CTTC cần cạnh tranh về tính minh bạch và có trách nhiệm với khách hàng (KH)”. Bà Vương Thủy Tiên, Thành viên HĐTV CTTC Home Credit Việt Nam đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với ĐTCK.
Năm 2016, các NH đều đặt mục tiêu đẩy mạnh lĩnh vực NH bán lẻ. Ở góc độ CTTC, bà có nhìn nhận như thế nào?
Đúng là năm 2016 thị trường cho vay tiêu dùng sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt vì các NH sẽ “đánh” mạnh vào mảng NH bán lẻ. Tuy nhiên, các CTTC vẫn có thế mạnh riêng của mình để cạnh tranh vì những lý do sau:
Thứ nhất, CTTC cung cấp sự tiện lợi và nhanh chóng. Điều này khá khác biệt so với việc KH phải đến tận NH để vay tiền, trong khi chỉ cần vào một cửa hàng bán lẻ hàng điện tử, xe máy… thì đã được nhân viên CTTC phục vụ. Thủ tục cho vay của các CTTC cũng khá đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân (hộ khẩu và CMND/bằng lái xe) với thời gian giải ngân “siêu tốc”, thậm chí chỉ trong vòng 15 phút. Đặc biệt, các CTTC cũng đưa ra nhiều mức lãi suất để KH có thể lựa chọn tùy theo các loại giấy tờ mà mình có thể cung cấp để chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ.
Thứ hai, KH của CTTC sẽ đa dạng hơn so với NH khi phần lớn là những người không thỏa mãn điều kiện vay của NH như những người làm nghề tự do, không cung cấp được hợp đồng lao động, bảng lương…
Thứ ba, khoản vay của CTTC khá nhỏ và trong thời gian ngắn, chỉ dưới 50 triệu đồng và kỳ hạn phổ biến là từ 6-12 tháng. Những sản phẩm tín dụng này không nhiều NH cung cấp, mà nếu có phải cho vay qua thẻ, mà để có thẻ tín dụng của NH không phải điều đơn giản.
Do vậy, dù các NH có tập trung vào mảng NH bán lẻ, trong đó có cho vay tiêu dùng, thì CTTC vẫn có một phân khúc KH khác và giữ lợi thế nhất định.
Thị trường thời gian tới liệu có dư cung khi cả CTTC và NH cùng “vào cuộc”?
Thực tế thì các sản phẩm mà CTTC đang triển khai ngày càng tiệm cận với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, minh chứng thông qua số lượng KH của Home Credit ngày càng tăng qua các năm.
Đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động tại Việt Nam, Home Credit đã có hơn 3 triệu KH, với số lượng đơn xin vay vốn trung bình mỗi ngày là 5.900 đơn, tăng gần 20% so với mức trung bình của năm 2014. Không chỉ với KH, các CTTC còn thiết kế những sản phẩm phù hợp với kế hoạch, mục tiêu của đối tác là các nhà bán lẻ và nhà sản xuất.
Hiện tại, theo NHNN, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản NH. Như vậy, có thể thấy rằng, dư địa để phát triển mảng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân còn rất nhiều, nên theo tôi, mảng này sẽ vẫn phát triển mạnh trong trung hạn.
Vậy, khi xây dựng các gói sản phẩm cho vay, CTTC sẽ khảo sát dựa trên những yếu tố nào?
CTTC dựa trên nhu cầu KH cũng như của các đối tác. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của tất cả KH, các sản phẩm cho vay tiêu dùng hiện tại cho phép KH được lựa chọn bất kỳ kỳ hạn nào mà họ muốn, cũng như khoản phải trả trước để phù hợp với khả năng tài chính của họ.
Ví dụ, nắm được nhu cầu KH thích vay lãi suất 0%, các CTTC cũng tung ra hàng loạt sản phẩm cho vay lãi suất 0% với một số đối tác, hay KH được lựa chọn mức phí trả trước (từ 10-50% giá trị món hàng) và lựa chọn kỳ hạn vay (từ 6-36 tháng).
Bộ phận Quản lý rủi ro cũng đóng góp vào việc đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu KH. Ngoài những công cụ đánh giá truyền thống dựa trên lịch sử tín dụng của KH, CTTC còn sử dụng những mô hình thống kê để thiết thập hồ sơ về những hành vi tiềm năng của KH. Mô hình này giúp CTTC tối đa hóa mọi hiểu biết của mình về KH, từ đó có thể đưa ra nhiều sản phẩm phục vụ mục đích đa dạng của KH.
Theo bà, yếu tố nào là quan trọng nhất của CTTC để thu hút khách hàng?
Cả 3 yếu tố: thủ tục, sản phẩm và lãi suất đều là những yếu tố có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các CTTC. Trong đó, sản phẩm khác biệt, nhưng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng là một trong những nhân tố quan trọng để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, cạnh tranh thì cũng phải có mức độ để đảm bảo sự cân bằng giữa sự thuận lợi cho khách hàng và quản trị rủi ro của công ty, nếu không có thể dẫn đến tình trạng “cạnh tranh xuống đáy”. Điều quan trọng nhất là các CTTC cần cạnh tranh về tính minh bạch và có trách nhiệm với khách hàng.
Bà có kỳ vọng gì để CTTC thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình?
Ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, sẽ có một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại nên chưa hiểu, cũng như chưa phân biệt được dịch vụ của CTTC và NH.
Các CTTC phải chấp nhận điều này khi mở rộng hoạt động ở những thị trường này, theo đó, có một phần trách nhiệm là hỗ trợ phổ cập kiến thức tài chính cho người dân. Điều này không thể thực hiện một sớm một chiều, mà phải là một hoạt động dài hạn và cũng thể hiện cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Các CTTC rất mong muốn các cơ quan chức năng có những hoạt động để tư vấn, phổ cập kiến thức tài chính cho người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong các giao kết tín dụng. Ví dụ, một quyền cơ bản nhất mà không phải người dân nào cũng biết và thực hiện, đó là họ có quyền yêu cầu nhân viên giải thích thật rõ hợp đồng tín dụng cho đến khi họ hiểu thật rõ.