Yếu tố khiến bạn trở nên khác biệt, cũng sẽ giúp bạn thành công
Không ngẫu nhiên khi tôi đề cập tới vấn đề này, bởi thực tế, dù đã có từ rất lâu, nhưng cho đến giờ, vai trò của nhân hiệu trong cuộc sống vẫn chưa thực sự được hiểu một cách đầy đủ và rõ ràng.
Chỉ vài năm vừa qua, công việc và cách thức làm việc đã được thay đổi nhanh chóng do làn sóng toàn cầu hóa, sự xuất hiện của mạng xã hội, của vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như nhiều tiến bộ công nghệ khác.
Công nghệ gia tăng thay thế dần con người cũng là lúc cạnh tranh trong công việc càng trở nên gay gắt và khốc liệt hơn trước. Sa thải, cắt giảm nhân sự là những hành động thường thấy ở nhiều tập đoàn, còn những công việc tuyển dụng ngày càng ít.
Giữa những áp lực đó, làm sao để khách hàng nhận ra mình, ấn tượng về mình và sẵn sàng xuống tiền với sản phẩm của mình, hay chí ít là với chính mình nhất?
Lấy ví dụ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhiều lúc tư vấn thành công một sản phẩm bất động sản không phải là vì nhân viên tư vấn nói ra được nhiều thứ nhất về dự án đó với cách diễn đạt trôi chảy nhất, mà lại từ những điều giản dị nhất như quan tâm đến sức khỏe, gia đình và thậm chí cả những điều tưởng chừng là xa vời của khách hàng.
Tất nhiên, vẫn phải kèm theo "món chính" là thông số của dự án, nhưng có vẻ như việc chuẩn bị "món phụ" quá tốt đã dẫn dắt cảm xúc của khách hàng, khiến họ dễ dàng cuốn vào "món chính" hơn lúc ta chuẩn bị "món phụ" một cách sơ sài. Nếu "món phụ" vẫn ấn tượng, lần sau họ sẽ chỉ tìm đến nhân viên tư vấn đó, vì họ nghĩ rằng, "món phụ" đã tốt thì "món chính" khác cũng chắc chắn tốt.
Kết quả của các nghiên cứu hành vi người tiêu dùng cho thấy, con người khi tiếp xúc với một sự vật, hiện tượng họ không nhìn thấy bản chất đúng của sự việc, mà ngay lập tức trong tâm thức, họ sự suy diễn xa hơn dựa trên tri giác, niềm tin và định kiến riêng mình. Vì thế, trong điều kiện thông tin giới hạn, nếu biết cách truyền tải thêm nhiều yếu tố bản thân mang hình ảnh tích cực cùng với việc bán sản phẩm, thì có thể mang lại nhiều giá trị hơn rất nhiều.
Hay nói một cách đơn giản, nhân hiệu là tất cả những ấn tượng, hình ảnh, suy nghĩ, đánh giá của mọi người dành cho một ai đó một cách rõ ràng, sâu đậm và phân biệt với những người khác, bao gồm tên nhân hiệu (biệt danh, nghệ danh), hình thức bề ngoài, ngoại hình, khí chất, quan điểm cá nhân, tư duy, tầm nhìn, sứ mệnh theo đuổi, cá tính, tính cách, phong cách, lĩnh vực, phạm vi hoạt động, tầm ảnh hưởng.
Hãy có lộ trình xây dựng nhân hiệu phù hợp với chính mình
Xây dựng thương hiệu cá nhân là một công cụ truyền thông hiệu quả, vì nó sẽ gửi một thông điệp nhất quán rõ ràng về bạn là ai và những gì bạn có thể làm. Một thương hiệu cá nhân đúng chất và mạnh mẽ sẽ giúp bạn trở nên nổi tiếng với những điều mà bạn làm tốt nhất, giúp bạn khác biệt với tất cả mọi người khác và có thể xác định vị trí của bạn như một chuyên gia trong ngành.
Tuy nhiên, việc xây dựng nhân hiệu không thực sự là câu chuyện một sớm, một chiều, mà luôn phải có kế hoạch và hành trình thực hiện một cách nghiêm túc. Hãy tưởng tượng xem, sẽ khó khăn đến mức nào nếu như bạn cố gắng nhồi nhét bản thân vào một cái vỏ bọc thương hiệu cá nhân đẹp đẽ? Bạn sẽ phải ăn mặc, đi đứng, giao tiếp, ăn uống… theo phong cách nhất định trong một thời gian dài.
Chẳng hạn, một nhân viên văn phòng, một ngày ngồi bàn giấy suốt 8 tiếng xử lý văn thư, nhưng muốn xây dựng hình ảnh doanh nhân thành đạt, nên ăn mặc chỉn chu, tập cách đi đứng lịch thiệp, giao tiếp nhã nhặn, tự tin trước đám đông. Tuy nhiên, thương hiệu gượng ép mà anh ta đang cố gắng xây dựng vừa không phù hợp hoàn cảnh, vừa khiến bản thân mệt mỏi.
Trên thực tế, trong bộ nhận diện thương hiệu cá nhân, vẻ bề ngoài thực chất chỉ là một phần tạo ra nó và không phải là quan trọng nhất. Thay vào đó, điều được nhiều người thừa nhận là yếu tố cá tính nhân hiệu, hay nói một cách khác, đó là những câu chuyện thực tế về những người xung quanh đang cảm nhận về bạn như thế nào, và nó phản hồi một cách trung thực về cách bạn được nhìn nhận và uy tín nghề nghiệp của bạn.
Ví dụ, cô A là người rất giỏi, nói được làm được, sống hòa đồng với tất cả mọi người, ai trong công ty cũng đều phải nể phục. Từ đó, cá tính nhân hiệu của cô A tạo ra ấn tượng phân biệt với tất cả những người khác trong công ty.
Hoặc chị B rất giỏi, đào tạo ở nước ngoài, nhưng vô cùng nghiêm khắc và hà khắc, nhiều nhân viên rất sợ khi làm việc với chị B. Từ đó chị B sẽ tạo cảm xúc lo lắng, sợ hãi cho nhân viên trong công ty.
Chị B hoàn toàn phân biệt với cô A, cá tính thể hiện từ vẻ bề ngoài, từ lời nói, từ suy nghĩ, từ hành động, rồi từ lời đồn đại của người khác về mình. Một người không có cá tính, thì sẽ rất khó có sự ấn tượng, dẫn đến khó có thương hiệu.
Mỗi người có thể để ý rằng, nhân hiệu cũng như thương hiệu, đều có đẳng cấp. Đẳng cấp nhân hiệu được hình thành một phần từ cá tính thương hiệu, một phần được hình thành từ giá trị cốt lõi nhân hiệu. Đẳng cấp có thể chia ra làm thấp, trung bình, cao, rất cao, như chuyên gia, siêu sao, huyền thoại… Tất nhiên, đẳng cấp nhân hiệu sẽ hình thành khi nhân hiệu đã được khẳng định qua rất nhiều người và qua một thời gian dài. Chúng ta có thể định vị đẳng cấp nhân hiệu, nhưng để có được đẳng cấp thương hiệu thì đó là một quá trình.
Thực tế cho thấy, những người thành công là những người định vị nhân hiệu và hoạch định chiến lược xây dựng nhân hiệu rất tốt. Trong đó, họ luôn tuân thủ rất rõ ràng các nguyên tắc, từ "rõ ràng", "tập trung", "nhất quán", "liên tục" và "đồng bộ". Có như vậy mới có thể gửi một thông điệp nhất quán rõ ràng về mình là ai và những gì mình có thể làm, từ đó giúp bạn trở nên nổi tiếng với những điều mà bạn làm tốt nhất, giúp bạn khác biệt với tất cả mọi người khác, và có thể xác định vị trí của bạn như một chuyên gia trong ngành.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com