Cảnh giác… nợ xấu

(ĐTCK) Theo các chuyên gia trong ngành tài chính, nguy cơ nợ quá hạn và kể cả nợ xấu sẽ gia tăng sau khủng hoảng là điều khó tránh khỏi. Do đó, các ngân hàng (NH) đã và đang tăng cường những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nợ quá hạn cũng như nợ xấu trong những tháng đầu năm 2009. Đồng thời, không ít NH cho biết, sẽ thận trọng hơn trong chiến lược phát triển tín dụng, cho dù nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận NH năm nay được xác định chủ yếu từ cho vay và nhu cầu vốn DN đang gia tăng.
Nợ quá hạn của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đáng lo ngại.

Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp VIBank, ông Trần Hoài Nam cho biết, dư nợ tín dụng tháng 4/2009 bắt đầu tăng lên là dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nói chung và hệ thống NH nói riêng. Chỉ riêng tại VIBank, tính đến hết tháng 4/2009 đã giải ngân được 5.200 tỷ đồng theo chương trình cho vay hỗ trợ LS. Thế nhưng, theo ông Nam, NH phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng để hạn chế tối đa rủi ro về nợ xấu. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm nay được cho là phục hồi sau một thời gian chững lại, nhưng phải thừa nhận rằng, rủi ro trong phát triển tín dụng năm 2009 là khó tránh.

Cũng theo nhận định của ông Nam, nợ quá hạn trong năm 2009 nhiều khả năng sẽ tăng. Vì vậy, không phải đến năm nay mà ngay từ năm trước VIBank đã đưa ra chính sách ngăn chặn nợ quá hạn. Nợ quá hạn của NH đến nay ở mức thấp hơn nhiều so với mức bình quân của ngành NH hiện là 5%. Ông Nam cho rằng, để giảm thiểu rủi ro thì phải phân loại được khách hàng. Đồng thời, bộ máy quản lý rủi ro của NH phải tốt và cần có bộ phận nhắc nhở khách hàng trước kỳ trả nợ.

Theo thông tin từ ACB, nợ xấu (từ nhóm 3 trở lên) của NH này tính đến ngày 14/5 vẫn ở dưới mức 1%, chỉ nhích lên chút đỉnh so với cuối năm trước. Còn nợ quá hạn từ nhóm 2 trở lên ở khoảng 1,2%. Một cán bộ cấp cao ACB cho rằng, NH vẫn luôn thận trọng và đặt an toàn lên hàng đầu trong hoạt động tín dụng.

Đến thời điểm này, hoạt động của các NH đã phần nào dễ thở hơn so với năm trước. Tuy nhiên, ACB nhận định, rủi ro lớn nhất của ngành NH hiện nay chính là rủi ro về tỷ giá. Khi khách hàng có nhu cầu vốn bằng USD, nếu biến động tỷ giá sẽ khó khăn trong việc trả nợ và rủi ro thuộc về NH.

ACB cho rằng, để quản lý được rủi ro, gia tăng lợi nhuận, đồng thời ngăn chặn tối đa nợ xấu, cần phải linh hoạt trong điều hành để đưa ra biện pháp ứng phó với khó khăn. Đơn cử như ACB, NH này đã phải hy sinh lợi nhuận để có thêm điều kiện mở rộng tín dụng trong 2 tháng gần đây thông qua hình thức giảm lãi vay. Song ACB cũng thừa nhận, không thể hy sinh chất lượng tín dụng để chạy theo các chỉ tiêu. Năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ACB đưa ra ở mức cao hơn 87% so với năm trước, nhưng tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới mức 1,2%.

Mặc dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Eximbank năm nay cao hơn 60% so với năm trước, đạt 34.000 tỷ đồng, nhưng NH này cho biết, sẽ tập trung xử lý nợ quá hạn, nhất là nhóm nợ xấu, ngăn ngừa nợ quá hạn mới phát sinh và có biện pháp tích cực để thu hồi số nợ quá hạn trong năm 2008, với tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) chiếm tỷ lệ 4,71% tổng dư nợ.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, có một thực tế không thể tránh khỏi ở bất cứ quốc gia nào là sau khủng hoảng bao giờ chiều hướng nợ quá hạn trong hoạt động của ngành NH cũng có xu hướng gia tăng. Theo đánh giá của ông Hạnh, dù thực trạng nợ quá hạn của ngành NH hiện nay chưa đáng lo ngại, nhưng lường trước tình hình xấu là điều mỗi NH nên làm, vì sự an toàn của chính mình và của toàn hệ thống.            

Thùy Linh
Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục