Thanh khoản bớt dồi dào
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, thanh khoản VND liên ngân hàng trong quý I/2021 vẫn tích cực, nhưng mức độ dồi dào đã giảm bớt so với giai đoạn cuối năm ngoái. Nguyên nhân là do chênh lệch huy động vốn và cho vay có xu hướng co hẹp kể từ đầu năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính tới 19/3/2021, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) đạt 1,49%, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng là 0,54%, trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng lên tới 2,93% so với đầu năm. So sánh tốc độ tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng với cùng kỳ năm ngoái ở mức 0,51% và 1,31%, cả hai chỉ tiêu trong 3 tháng đầu năm nay đều cao hơn, trong đó, tăng trưởng tín dụng mạnh hơn tăng trưởng huy động vốn.
“Xu hướng tăng của tín dụng từ cuối năm ngoái được kéo dài trong giai đoạn quý I năm nay, trong khi huy động vốn tại hệ thống ngân hàng tăng chậm hơn so với mọi năm khi lãi suất ngân hàng ở mức kém hấp dẫn”, vị tổng giám đốc ngân hàng nói và cho biết thêm, chính sách mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng được triển khai từ đầu năm cũng khiến lượng VND bơm ra hệ thống ngân hàng qua kênh mua bán ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bị trì hoãn.
Giám đốc tiền tệ một ngân hàng khác nhận định, thanh khoản sẽ tương đối ổn định trong quý II. Mặt bằng lãi suất VND dự báo có xu hướng đi ngang, biên độ dao động trong khoảng 0,3 - 0,6%/năm đối với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, 1,2 - 1,4%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng.
Nền thanh khoản sẽ được duy trì nhờ kỳ vọng NHNN tiếp tục có định hướng nới lỏng thận trọng và chưa thay đổi lãi suất điều hành, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục sau khi bị tác động bởi đại dịch Covid-19, mặc dù nhiều ngành nghề vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, khả năng NHNN hạ lãi suất điều hành là tương đối thấp khi áp lực lạm phát đang có xu hướng quay trở lại với đà tăng của mặt bằng giá hàng hóa thế giới. Theo đó, các công cụ về lượng như thị trường mở, hạn mức tín dụng có thể sẽ được ưu tiên sử dụng để điều tiết thị trường.
Vị tổng giám đốc nêu quan điểm, nếu tín dụng tăng quá nhanh do nhu cầu vốn trong mở rộng sản xuất, đầu tư đón nhận các cơ hội mới, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tạo áp lực lên các ngân hàng trong việc đẩy mạnh huy động, từ đó khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm. Dự báo, lãi suất sẽ ổn định trong nửa đầu năm và có diễn biến tăng nhẹ trở lại vào cuối năm.
Kế hoạch lãi cao năm 2021
Giám đốc khối nguồn vốn một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội nhìn nhận, kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng năm 2021 tăng mạnh, tín dụng sẽ tăng theo và lãi suất không có nhiều cơ hội điều chỉnh giảm.
Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất ổn định như hiện tại để khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh, chứ không mong lãi suất giảm thêm.
Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Việt Ân
Thực tế, kết thúc quý I/2021, một số ngân hàng công bố đạt lợi nhuận trước thuế tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như MSB tăng 300%, VietinBank tăng 150%, MBB tăng 100%, ACB tăng 61%, Vietcombank tăng 35%...
Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý đầu năm, các ngân hàng mạnh dạn đặt kế hoạch lợi nhuận cao trong năm 2021 như SHB tăng 70%, Eximbank tăng hơn 60%, BIDV tăng hơn 40%, MSB và VIB dự kiến tăng 30%, MB tăng khoảng 25 - 30%, Techcombank tăng 25%, OCB tăng 15%… so với năm 2020.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, kế hoạch lạc quan trên của các ngân hàng dựa trên triển vọng kiểm soát dịch Covid-19 cùng với tiến trình sản xuất, cung ứng vắc-xin tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ tích cực hơn năm 2020, có thể đạt 12 - 14%; thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ; chi phí hoạt động được kiểm soát tốt hơn nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến quy trình và cơ cấu lại mạng lưới, tổ chức, bộ máy.
Trong khi đó, gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro không quá lớn (theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021, lộ trình trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ được cơ cấu lại sẽ thực hiện trong 3 năm, với năm 2021 trích 30%), tổng mức cần trích thêm của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng.
Với các yếu tố trên, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng 20 - 25%, cao hơn nhiều mức tăng 15,8% của năm 2020.
Xu hướng duy trì nới lỏng tiền tệ
Bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc Khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB cho biết, kinh tế thế giới đang hồi phục tích cực và có triển vọng lạc quan, nhưng nhiều ngân hàng trung ương lớn vẫn thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.
Trong cuộc họp chính sách tháng 2 và tháng 3/2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp, sau khi giảm xuống mức kỷ lục trong năm 2020 khi kinh tế bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, Fed cam kết không nâng lãi suất cho tới năm 2023 (hiện ở mức 0%) và sẵn sàng cho phép chỉ số lạm phát vượt lên trên ngưỡng 2%, miễn là mức trung bình dài hạn được duy trì tại mục tiêu này.
“Xu hướng duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ và mặt bằng lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương lớn, cùng với lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát là điều kiện để mặt bằng lãi suất trong nước chưa có áp lực tăng”, bà Thanh nói.
Hiện tại, lãi suất liên ngân hàng ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần duy trì dưới mức 0,5%/năm và dưới mức trung bình của năm 2020. Cùng chung diễn biến với lãi suất liên ngân hàng, trung bình lãi suất huy động kỳ hạn dài (12 tháng) tại cả ba nhóm ngân hàng vẫn đang ở mặt bằng thấp nhất kể từ năm 2017. Mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng là 6,9%/năm, trung bình là 5,61%/năm (cùng kỳ năm ngoái là hơn 7%/năm).
Theo một báo cáo của BIDV, chênh lệch huy động vốn - tín dụng được dự báo sẽ mở rộng. Mặc dù tín dụng có xu hướng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, nhưng khả năng tăng trưởng đột biến của tín dụng là hạn chế khi NHNN đang kiểm soát chặt chẽ nhu cầu vốn thông qua áp hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, huy động vốn có thể tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ, lượng tiền mặt ngoài lưu thông quay trở lại hệ thống trong quý II/2021.