Cảnh báo về lãi suất cao đang đe dọa thị trường chứng khoán toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà quản lý tài sản cảnh báo rằng lo ngại lãi suất ở các nền kinh tế lớn sẽ duy trì ở mức tương đối cao và gây ra hồi chuông cảnh tỉnh cho thị trường tài chính.
Cảnh báo về lãi suất cao đang đe dọa thị trường chứng khoán toàn cầu

Với việc các nhà đầu tư tập trung vào việc cắt giảm lãi suất vào mùa hè này, chứng khoán toàn cầu vẫn ở gần mức cao kỷ lục và nhu cầu về trái phiếu do các công ty rủi ro nhất phát hành là rất cao.

Nhưng các nhà quản lý tài sản và các nhà kinh tế hiện chỉ mong đợi sự nới lỏng tiền tệ ở mức tối thiểu, đặc biệt là từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng bất ngờ.

Ann Katrin-Petersen, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BlackRock cho biết chứng khoán toàn cầu sẽ chịu “sự sụt giảm định giá do lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn”.

Nhà quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, Amundi cho biết chứng khoán Mỹ sẽ chậm lại so với toàn cầu trong thập kỷ tới. Họ kỳ vọng cổ phiếu và trái phiếu của các công ty ở các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ sẽ có tốc độ tăng trưởng cao và Chile và Indonesia sẽ hoạt động tốt hơn.

Shamik Dhar, nhà kinh tế trưởng của BNY Mellon cho biết: “Mọi người đều rất tập trung vào thời điểm sắp cắt giảm lãi suất… Câu hỏi lớn hơn nhiều là mức trung bình mà chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất sẽ xoay quanh là bao nhiêu”.

Trong khi đó, các nhà phân tích cũng đang chuẩn bị cho “một sự điều chỉnh về kỳ vọng, tâm lý và niềm tin”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, trong dự báo mới nhất rằng lãi suất quỹ liên bang của Fed có thể giảm chậm hơn so với dự đoán của thị trường.

Chiến lược gia Petersen của BlackRock dự báo lãi suất của Mỹ sẽ ở mức gần 4% trong 5 năm tới và khoảng 2% đối với khu vực đồng euro. “Chúng ta đã bước vào một cơ chế thị trường vĩ mô mới và một trong những nền tảng của cơ chế đó là lãi suất cao hơn về mặt cấu trúc”, chiến lược gia này cho biết.

Chứng khoán thế giới đã tăng khoảng 4% trong năm nay và đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3. Và chỉ số trái phiếu lợi suất cao trên toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2021, được củng cố bởi kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất từ mức cao nhất trong 23 năm là 5,25% để giữ cho điều kiện đầu tư và vay nợ toàn cầu trở nên tốt đẹp.

Nhưng điều cần đánh giá lại là các nhà đầu tư áp dụng lãi suất chiết khấu vào các mô hình định giá công ty, theo kỳ vọng lãi suất dài hạn của Mỹ. EY ước tính, mức tăng 1 điểm phần trăm trong thước đo này sẽ làm giảm 10% giá trị hiện tại của lợi nhuận trong tương lai của các công ty.

Các nhà quản lý tài sản cũng cho rằng giá cổ phiếu toàn cầu đang quá cao, đặc biệt là ở Mỹ.

Nhà quản lý tiền lớn thứ hai thế giới Vanguard cho biết chỉ số S&P 500 được định giá cao hơn 32% so với giá trị hợp lý dựa trên dự báo lãi suất dài hạn.

Nhà kinh tế cấp cao của Vanguard, Qian Wang cho biết các tài sản rủi ro đang duy trì ở mức cao hiện tại một phần là do chi phí vốn mà các nhà đầu tư đưa vào mô hình định giá công ty phản ánh lãi suất cho vay rẻ đã thỏa thuận trước đó. Do đó, với lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ ổn định ở mức khoảng 3,5% và làn sóng tái cấp vốn cho doanh nghiệp vào năm 2026, các nhà đầu tư có thể sẽ thất vọng.

Sự chuyển đổi

Dân số già đi, lực lượng lao động bị thu hẹp và các nền kinh tế phương Tây dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc dự kiến sẽ khiến lạm phát và lãi suất tăng cao. Xung đột leo thang ở Trung Đông đã đẩy giá dầu lên gần 90 USD/thùng, và những cú sốc về khí hậu đang diễn ra có nguy cơ khiến giá hàng hóa tăng cao.

Các thị trường đang định giá rằng Fed sẽ có ít hơn hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) được định giá vào tháng 6, nhưng thị trường đã giảm kỳ vọng về mức độ cắt giảm lãi suất cùa ECB.

Chiến lược gia Petersen cho biết BlackRock đang giữ quan điểm trung lập với cổ phiếu, ưa thích các trái phiếu liên quan đến lạm phát và xem trái phiếu chính phủ dài hạn là dễ bị biến động bởi lạm phát.

Trong khi đó, sự thay đổi hướng tới lãi suất dài hạn cao đối với suy nghĩ của các nhà đầu tư là “vẫn chưa xảy ra”.

Tuy nhiên, thước đo lường nỗi sợ hãi VIX theo dõi chặt chẽ về mức độ biến động của chứng khoán Mỹ đã tăng lên khoảng 19 sau khi ở mức thấp trong nhiều tháng, khi sự bất an ngày càng gia tăng.

Richard Dias, chiến lược gia tại PGM Global cho biết: “Nếu thị trường chuyển từ suy nghĩ Fed sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất sang một đợt cắt giảm lãi suất và sau đó là tăng lãi suất, thì thị trường chứng khoán sẽ thực sự khó khăn sau đó”.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục