Cảnh báo và giải pháp ứng phó với tác động cộng hưởng tới kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các tác động đơn lẻ và cộng hưởng sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại 1%, lạm phát tăng thêm 1%.
Để ứng phó với tác động từ bên ngoài, Việt Nam cần nâng cao chất lượng độ mở của nền kinh tế. Để ứng phó với tác động từ bên ngoài, Việt Nam cần nâng cao chất lượng độ mở của nền kinh tế.

Cảnh báo tác động

Tác động đơn lẻ và tác động cộng hưởng trên thế giới có thể được nhận diện dưới nhiều góc độ.

Tác động đơn lẻ đầu tiên là chu kỳ khủng hoảng kinh tế khoảng 10 năm một lần sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế từ cuối năm 2008, bùng phát vào năm 2009. Cuộc khủng hoảng lần này tuy không lớn và rộng, nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát, thất nghiệp gia tăng.

Tác động đơn lẻ nữa Covid-19, làm cho hầu hết các nước có mức tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020. Năm 2021, kinh tế thế giới tăng trưởng khá hơn, nhưng vẫn rất thấp.

Tác động tưởng như đơn lẻ, nhưng lại gây bất ngờ và rúng động tới nhiều mặt là chiến sự Nga - Ukraine, làm giá nhiều mặt hàng tăng vọt.

Theo cảnh báo của IMF, các tác động đơn lẻ trên và cộng hưởng sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại 1%, lạm phát tăng thêm 1%.

Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những tác động đơn lẻ và tác động cộng hưởng trên. Vấn đề chỉ là tác động nhanh hay chậm, diễn ra trong thời gian ngắn hay dài?

Giải pháp ứng phó

Việc ứng phó với các tác động đơn lẻ và tác động cộng hưởng của Việt Nam có nhiều giải pháp, nhưng tập trung vào các nhóm dưới đây.

Thứ nhất, chuyển đổi trạng thái của đất nước trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Trong các biện pháp theo quy định, cần tập trung cho việc thực hiện nghiêm 5K và phủ sóng tiêm phòng các đối tượng.

Thứ hai, phải có nền kinh tế mạnh. Do điểm xuất phát thấp, thứ bậc về quy mô nền kinh tế thấp xa so với quy mô về kinh tế, nên GDP bình quân đầu người có thứ bậc còn rất thấp. Vì vậy, phải có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững bằng việc nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)...

Thứ ba, nâng cao chất lượng độ mở của nền kinh tế. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm gần 3/4, khu vực kinh tế trong nước chỉ có trên 1/4. Tỷ trọng xuất khẩu hàng thô, chưa qua tinh chế, dựa nhiều vào lao động giá rẻ, gia công lắp ráp... còn cao.

Thứ tư, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, nhưng kỹ thuật - công nghệ của không ít dự án chưa phải là công nghệ nguồn; tính gia công của không ít doanh nghiệp trong khu vực này còn lớn; tính lan tỏa giữa khu vực này với khu vực kinh tế trong nước còn thấp... Do vậy, cần rà soát, chọn lựa để nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài; có cơ chế để đẩy mạnh việc lan tỏa, nhất là chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài sang khu vực kinh tế trong nước.

Thứ năm, đẩy nhanh việc thực hiện và thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ kinh tế- xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội. Các gói hỗ trợ đã được đề cập nhiều; ở đây chủ yếu đề cập đến 2 nội dung đáng quan tâm.

Một là, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10% xuống còn 8% để giảm giá mua hàng hóa của người sử dụng, vừa kiềm chế lạm phát, vừa tăng mức tiêu dùng nhằm cải thiện mức sống, vừa góp phần kích thích sản xuất.

Hai là, cấp bù lãi suất 2%. Về quy mô, gói cấp bù lãi suất lần này là 40.000 tỷ đồng/2 năm, mỗi năm 20.000 tỷ đồng. Tổng giá trị hỗ trợ của gói tài khóa - tiền tệ lần này trong 2 năm là 350.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 khoảng 142.000 tỷ đồng, thì gói cấp bù lãi suất năm 2022 chiếm 14,1%. Tuy tỷ lệ thấp hơn lần trước, nhưng lãi suất cấp bù chỉ có 2% (chỉ bằng một nửa mức cấp bù lãi suất trong lần trước). Mức cấp bù thấp hơn cũng góp phần hạn chế kẽ hở dễ lợi dụng của lần trước. Về thời gian thực hiện lần này dài gấp đôi lần trước, giúp có thời gian theo dõi và giải quyết xử lý các hiệu ứng phụ.

Trong cấp bù lãi suất, cần xác định đúng đối tượng được hưởng. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý các hành vi sai trái hoặc các hiệu ứng phụ.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục