Cảnh báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chậm lại

(ĐTCK) Tháng 5/2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 7,1%, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Giới chuyên gia nhận định, sự sụt giảm này có thể đảo ngược vị thế nâng đỡ GDP của ngành trong quý I và làm giảm tăng trưởng GDP trong quý II.
Cảnh báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chậm lại

Điện thoại, điện tử và khai khoáng sụt giảm

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2018 ước tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017, đây là tháng có tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,6%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,2%.

Sở dĩ ngành công nghiệp tăng chậm là do nhóm hàng điện tử, điện thoại tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,2%. Xuất khẩu điện thoại trong tháng 5 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 17,6%, trong khi xuất khẩu điện thoại của quý I/2018 tăng trưởng 62,3%. Cộng gộp 2 tháng 4 và 5, tổng xuất khẩu điện thoại là 6,8 tỷ USD, giảm 19%. Tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu điện thoại trong quý II/2018 cũng dự báo ở mức thấp.

Bên cạnh đó, ngành khai khoáng không có sự cải thiện dù giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 2,5 năm qua. Tổng sản lượng dầu thô khai thác tháng 5 là 1,02 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và xấp xỉ bằng mức trung bình năm. Sản lượng khí và than cũng giảm tương ứng 9,1% và 0,5%. Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4,8% (khai thác dầu thô giảm 10,2%, khai thác khí đốt tự nhiên tăng 1%); khai khoáng khác giảm 0,3%.

Bình luận về sự sụt giảm trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, việc tăng huy động khai thác khí đốt để sản xuất điện năng không thể kéo dài bởi chi phí cao, nhất là khi mùa mưa đã đến. Do cả 3 nguồn khai khoáng là dầu, khí và than đá cùng có xu hướng giảm, chỉ số công nghiệp khai khoáng tháng 5 giảm 7,6%, trong đó dầu thô và khí giảm 11,2%.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 5 có dấu hiệu chậm lại, nhưng lũy kế 5 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng trưởng 9,7%, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017. Tuy vậy, con số này là thành quả của tăng trưởng từ quý I, còn trong quý II, nhiều điều có thể thay đổi.

Giới chuyên gia nhận định, sự sụt giảm của mảng khai khoáng có thể đảo ngược vị thế nâng đỡ GDP của ngành trong quý I và làm giảm tăng trưởng GDP trong quý II. Các số liệu kinh tế tháng 5 đang phát đi một số tín hiệu cảnh báo về tăng trưởng trong quý II, cũng như 2 quý còn lại của năm 2018.

Nổi lên rõ nhất là rủi ro từ những cuộc chiến thương mại đang diễn ra, chính sách bảo hộ cũng tác động ngày một rõ hơn đến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, trong khi đây là nhóm tạo động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam. Hệ quả có thể nhận thấy là sự sụt giảm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của khối FDI, kéo tăng trưởng việc làm và sức cầu tiêu dùng chung suy giảm.

Chẳng hạn, chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp điện tử chủ lực như Samsung và LG, buộc các hãng này phải mở nhà máy tại Mỹ, đồng nghĩa với giảm quy mô sản xuất tại một số thị trường, trong đó có Việt Nam.

Giải quyết các "điểm nghẽn" để công nghiệp tăng trưởng bền vững

Trong lần chia sẻ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng từng chỉ ra những yếu tố đang tạo ra "điểm nghẽn", khiến tăng trưởng công nghiệp chậm và chưa thực sự bền vững, đó là sự phụ thuộc về vốn, tài nguyên và lao động trình độ thấp của sản xuất công nghiệp; sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu; một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị đem lại giá trị gia tăng; một số ngành công nghiệp do doanh nghiệp nhà nước điều hành hiệu quả hoạt động chưa cao…

Nâng cao năng suất lao động trong sản xuất công nghiệp là vấn đề được chú trọng lâu nay, nhưng mức độ cải thiện vẫn chưa cao, dẫn đến tốc độ tăng trưởng của ngành còn chậm.

Cụ thể, hiện nay, đóng góp của công nghệ đối với năng suất trong ngành chế biến, chế tạo rất thấp, chỉ xấp xỉ 10%, trong khi toàn nền kinh tế là 29%, và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Ấn Độ (49%), Thái Lan và Philippine (70%), Malaysia (64%), Indonessia (37%) hay Trung Quốc (39%).

Cùng với đó, Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là với các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như dệt may, da giày, điện tử, hóa chất... Trong khi đó, các khâu này tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%. Vậy nên, công nghiệp Việt Nam tuy đạt thành tích lớn về quy mô xuất khẩu, nhưng thực chất giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.

Để giải quyết tồn tại trên, cần tập trung đẩy mạnh doanh nghiệp công nghiệp nội địa, tăng quy mô và năng lực cạnh tranh, thu hút và tận dụng các nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất công nghiệp đi vào chiều sâu.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam cần có những “đàn sếu lớn”, những doanh nghiệp nội địa mạnh, có sức cạnh tranh cao để làm hạt nhân, từ đó tạo được thế tăng trưởng cao và bền vững cho sản xuất công nghiệp trong dài hạn.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục