Cảnh báo lạm phát gia tăng khi tín dụng tiếp tục tăng cao

(ĐTCK) Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, xu thế tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp diễn với mức tăng khoảng 6% kể từ đầu năm, tương đương tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát đã liên tục tăng từ tháng 11/2015 và hiện được đánh giá vẫn trên đà tăng tốc, với dự báo sẽ tăng 3,6% trong 6 tháng cuối năm Lạm phát đã liên tục tăng từ tháng 11/2015 và hiện được đánh giá vẫn trên đà tăng tốc, với dự báo sẽ tăng 3,6% trong 6 tháng cuối năm

“Điều này cho thấy, tín dụng đã tăng trưởng mạnh, gấp 3 lần tăng trưởng GDP danh nghĩa trong 2 quý đầu năm 2016”, ông Sebastian nói.

Đồng quan điểm trong vấn đề này, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh Ngoại hối và trái phiếu của HSBC cho biết: “Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 8,16%, cao hơn mức 7,86% của cùng kỳ năm 2015, là mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ những năm gần đây”.

"Câu chuyện liên quan đến tăng trưởng tín dụng năm 2015 khoảng 18%, nên độ trễ đẩy áp lực lạm phát sang năm nay sẽ khá lớn"

- TS. Cấn Văn Lực.

Tín dụng tăng nhanh, trong một chừng mực nào đó cũng là điều tốt, bởi nó đồng nghĩa với việc dòng tiền đang chảy vào nền kinh tế, theo đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng song hành với đó là không ít quan ngại, bởi đây cũng là đòn bẩy của câu chuyện lạm phát. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát vốn đã liên tục tăng từ tháng 11/2015 và hiện được đánh giá vẫn trên đà tăng tốc với dự báo, so với cùng kỳ năm trước, sẽ tăng trung bình 2,6% năm 2016 và 4% năm 2017. Dự đoán lạm phát trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tăng trung bình 3,6% so với cùng kỳ, một phần do nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ và từ mức lạm phát thấp hồi năm ngoái. Việc giá cả hàng hóa gia tăng cũng có thể thúc đẩy lạm phát…

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính phân tích: “Chính phủ đã có lộ trình điều chỉnh một số mặt hàng tăng giá trong năm 2016, chẳng hạn như điện, giáo dục, y tế…, rõ ràng cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, câu chuyện liên quan đến tăng trưởng tín dụng năm 2015 khoảng 18%, nên độ trễ đẩy áp lực lạm phát sang năm nay sẽ khá lớn”.

Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng, NHNN đã có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời để đảm bảo hoạt động tín dụng hiệu quả. Cụ thể, từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, nhằm duy trì ổn định lãi suất huy động, giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng cũng đã được ban hành, nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất từ nay đến cuối năm. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản được dự báo sẽ diễn biến ổn định trong những tháng cuối năm nay. 

“Về phía các ngân hàng, để duy trì tăng trưởng tín dụng hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, phát hiện và phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn, từ đó giảm nguy cơ nợ xấu. Các ngân hàng cần có chuẩn tín dụng phù hợp và cẩn trọng trong việc quản lý, cấp tín dụng, cũng như tập trung vào quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Hệ thống quản trị rủi ro với công nghệ cải tiến, cùng những chuẩn mực tốt tiến đến chuẩn mực của thế giới sẽ giúp ngân hàng tăng cường đáng kể chất lượng tín dụng, đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn lành mạnh cho nền kinh tế”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Sebastian phân tích cụ thể hơn, nhằm giải quyết quan ngại về chất lượng tín dụng do tăng trưởng nóng ở một số ngành, NHNN đã tăng cường các biện pháp quản lý tín dụng thận trọng từ tháng 4/2016 trên cơ sở Thông tư 06.

Theo đó, các biện pháp sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn, trong đó bao gồm việc giảm mức trần vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn, tăng trọng số rủi ro đối với cho vay bất động sản. Ngoài ra, Thông tư 06 cũng tăng tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để mua trái phiếu kho bạc từ 15% lên 25% (đối với ngân hàng thương mại quốc doanh) và 35% (đối với ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng nước ngoài).

“Những bước đi này dự kiến sẽ tăng cường chuẩn cho vay cẩn trọng, giảm nhẹ vấn đề chênh lệch giữa tài sản và trách nhiệm trả nợ, dẫn tới hệ quả giảm bớt tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung vẫn giữ ở mức 18-20% trong năm nay cho thấy, định hướng chính sách vẫn là tập trung vào hỗ trợ các hoạt động kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và có thể buộc các cơ quan quản lý phải cân nhắc việc nới lỏng chính sách”, ông Sebastian nói.

Có thể nói, đây tiếp tục là một bài toán khó đối với NHNN, khi vừa phải đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu là 18-20% để đáp ứng mức tăng trưởng kinh tế 6,7% mà Chính phủ đặt ra, trong khi vẫn phải đảm bảo kiềm chế lạm phát…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục