Cảnh báo kiểm soát chặt tín dụng ngoại tệ

(ĐTCK) Ngay từ giữa tháng 9/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 7295/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ. Tất nhiên, có lý do để cơ quan quản lý phải đưa ra văn bản như vậy.
Cảnh báo kiểm soát chặt tín dụng ngoại tệ

Theo đó, số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trong cơ cấu tín dụng theo loại tiền, mặc dù tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 9 tháng đầu năm 2017 đã cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, tín dụng ngoại tệ ước tăng 12,9%, tăng mạnh so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016, chiếm 8,4% tổng tín dụng; trong khi tín dụng VND ước tăng 13% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 14,4%), chiếm khoảng 91,6% (gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2016).

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho biết, chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD càng tiệm cận với nhau thì tỷ lệ cho vay bằng ngoại tệ sẽ càng giảm xuống.

Trong khi đó, nếu tỷ giá ổn định, khoảng cách giữa lãi suất tiền đồng và USD rộng sẽ dẫn tới tín dụng ngoại tệ tăng, bởi khi cho vay bằng ngoại tệ và nhận trả nợ bằng VND, ngân hàng sẽ hưởng trọn chênh lệch lãi suất.

“Đây là bài toán kinh tế thường gặp, thay vì cho vay tiền đồng với lãi suất trung bình khoảng 7%/năm, ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp vay USD để kinh doanh với lãi suất là 3%/năm, với tỷ giá không thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc nhà băng được hưởng lợi 4%/năm, tiết giảm chi phí tài chính, giúp lợi nhuận tăng lên.

Thực tế, tất cả các ngân hàng đều áp dụng phương pháp đó. Trước đây, ngân hàng thường tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, nhưng khi lãi biên ở tình trạng khá mỏng như hiện tại, nhà băng buộc phải tính toán tối ưu hóa các nguồn vốn”, ông Trung nói.

Quả thật, một nghiên cứu của BIDV vừa công bố cho biết, thanh khoản USD của hệ thống ngân hàng trong quý III dồi dào hơn quý trước đó và mặt bằng lãi suất ổn định quanh mức 1,3 -1,4%/năm kỳ hạn qua đêm tới 1 tuần.

Các yếu tố chính hỗ trợ ổn định lãi suất quý III, theo BIDV, là nguồn cung ngoại tệ dồi dào khi chênh lệch huy động vốn - tín dụng USD trong giai đoạn này được mở rộng thêm 1,5 tỷ USD và trạng thái ngoại tệ toàn ngành cũng gia tăng khoảng 0,5 tỷ USD so với cuối tháng 6.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế ổn định, theo hướng đi ngang do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành tại phiên họp định kỳ tháng 7 và tháng 9; lãi suất LIBOR USD kỳ hạn 3 tháng chủ yếu xoay quanh 1,3%/năm.

“Thị trường ngoại hối trong quý III ổn định, nguồn cung dồi dào và tỷ giá VND/USD dao động trong biên độ khá hẹp 22.725 - 22.765 VND/USD. Theo đó, NHNN trong giai đoạn này cũng đã mua được một lượng khá lớn ngoại tệ từ thị trường, ước tính vào khoảng 1,8 - 2 tỷ USD”, một lãnh đạo BIDV cho biết.

Tuy nhiên, ông Trung cũng nhấn mạnh, kể cả trong bối cảnh thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá không biến động, việc cho vay ngoại tệ cũng không chiếm tỷ trọng lớn trong 4 nhóm đối tượng theo quy định nên không có rủi ro. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng không dễ gì đạt được các bộ tiêu chí để qua được “cửa” ngân hàng nhằm vay vốn bằng ngoại tệ, chưa nói đến sự chấp thuận của NHNN.

“Mặc dù vậy, trong hoạt động ngân hàng luôn ẩn chứa những rủi ro. Chẳng hạn, giai đoạn 2007 - 2008, một số nước không có nguồn ngoại tệ, cụ thể là USD, nhưng lại cho vay đồng tiền này nhiều, dẫn tới ngân hàng trung ương quốc gia đó không thể cứu được hệ thống trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Do vậy, khi nhận thấy cho vay bằng ngoại tệ đã gia tăng tới một mức độ nhất định, sắp có khả năng vượt qua quy mô cho phép, NHNN sẽ đưa ra cảnh báo cho toàn hệ thống”, ông Trung nhận định.

Một điểm đáng chú ý, BIDV dự báo tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục ổn định trong tháng 10 nhưng sau đó VND sẽ giảm giá ở mức độ vừa phải so với USD về cuối năm, khi nhu cầu ngoại tệ gia tăng trở lại cộng hưởng với xu hướng tăng giá USD trên thị trường quốc tế. Theo đó, tỷ giá quý IV dao động trong khoảng 22.725 - 22.900 VND/USD. Những yếu tố tác động làm tăng tỷ giá bao gồm:

Thứ nhất, NHNN liên tục nâng tỷ giá trung tâm (và đã tăng khoảng 1,4% kể từ đầu năm) và dự kiến tiếp tục tăng thêm khoảng 0,4% - 0,6% trong quý IV cho thấy định hướng tăng tỷ giá của nhà điều hành. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã nâng tỷ giá mua vào 3 lần kể từ đầu năm và động thái này hoàn toàn có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới nếu điều kiện thị trường thuận lợi.

Thứ hai, cán cân thương mại dự kiến tiếp tục thâm hụt trong quý IV với mức thâm hụt có thể đạt 0,5 - 1 tỷ USD để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng vào cuối năm. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp cũng tạo ra nhu cầu ngoại hối ở mức tương đương năm trước.

Thứ ba, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế kỳ vọng tăng nhẹ khoảng 0,2% khi Fed thực hiện việc nâng lãi suất chính sách và giảm nắm giữ trái phiếu trên bảng cân đối kế toán.

Trong bối cảnh này, Văn bản số 7295/NHNN nhấn mạnh, để bảo đảm tuân thủ các quy định của NHNN và Chỉ thị của Thống đốc NHNN về an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, đồng thời kiểm soát tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp, đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay, tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ. 

Theo Thông tư 43/2014/TT-NHNN, có 4 nhóm đối tượng vay ngoại tệ: Thứ nhất là cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ hai, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Hai nhóm đối tượng này không giới hạn về mặt thời gian.

Thứ ba, cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ tư, vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục