Cảnh báo doanh nghiệp phải lên kịch bản cho những diễn biến mới

Doanh nghiệp (DN) phải chủ động ứng phó như thế nào trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế - xã hội là chủ đề chính được đề cập tại Hội thảo “Doanh nhân và chủ quyền kinh tế” do báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức tại TP.HCM vào đầu tuần này.
Cảnh báo doanh nghiệp phải lên kịch bản cho những diễn biến mới

Đừng để “theo voi ăn bã mía”!

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Hiện nay, đa phần DN của ta đều hội nhập một cách thụ động. Sống bên cạnh Trung Quốc phải sản xuất hàng khác Trung Quốc, không thể cạnh tranh  về giá hoặc hàng giá rẻ, DN nên chọn các phân khúc chất lượng cao. Bài học Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông trước đây sử dụng công nghệ Trung Quốc, sản xuất hàng giá rẻ bị ảnh hưởng nặng nề.

Sau đó DN này sử dụng công nghệ Nhật Bản nên tìm được thị trường chất lượng cao, doanh số ổn định. Rõ ràng sống  cạnh anh khổng lồ, không thể cùng tồn tại mà phải nghĩ cách “đứng trên vai anh khổng lồ” thay vì “theo voi ăn bã mía”.

Chủ động xây dựng công nghiệp phụ trợ.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM

DN xuất khẩu nếu làm hàng trung bình, cấp thấp sẽ không bao giờ địch được hàng Trung Quốc về số lượng, giá cả... Phải làm hàng cao cấp thì mới trụ lại được trong cạnh tranh và nguồn nguyên liệu đầu vào không quá bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Thực tế cho thấy, nhập khẩu vật tư, thiết bị của 2 ngành dệt may-da giày chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu và trên 36% kim ngạch nhập khẩu, trên mức trung bình cả nước, do vậy, khi có biến cố sẽ có những tác động nhất định.

Tuy nhiên thực tế thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều lệ thuộc lẫn nhau. Theo trang web www.ccct.org.cn của Trung Quốc, Việt Nam là nước nhập khẩu vải lớn nhất từ Trung Quốc với mức trên 9 tỷ USD/năm và xuất khẩu trên 1 tỷ USD mặt hàng vải sang đây.

Sự lệ thuộc không chỉ xuất phát từ việc thực thi các chính sách không hiệu quả, mà phần lớn còn từ việc chuộng hàng hóa giá rẻ.

Trong ngắn hạn, khi ký các hợp đồng với DN Trung Quốc, DN Việt Nam phải ràng buộc bằng biện pháp sử dụng L/C, các điều khoản dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế; xuất - nhập khẩu thông qua nước thứ ba và dần chuyển sang nhập từ các nước khác.

Về dài hạn, DN cần đa dạng hóa và phân tán ra các thị trường; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phát triển thị trường nội địa; chuẩn hóa các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với thế giới.

TP.HCM sẽ chủ động trong ứng phó với mọi kịch bản.

Ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM

Quan điểm của lãnh đạo TP.HCM là chủ động ứng phó trong mọi tình huống xấu nhất. Có 8 nhóm kiến nghị được UBND trình bày với Thành ủy TP.HCM, trong đó có các kiến nghị cần làm ngay là ban hành các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ (gồm thuế, thuế đất, các ưu đãi…) nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển các ngành này. Đây là một giải pháp căn cơ vừa có tính ứng phó cấp thời, vừa cần thiết trong dài hạn để giúp DN trong nước giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc.

Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu là quan hệ về chuỗi cung ứng.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Lượng  vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng lên trong những năm gần đây, nhưng tổng vốn đầu tư còn nhỏ. Vì thế mối quan hệ kinh tế  giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1, hơn là mối quan hệ đầu tư.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Phần lớn hàng hóa nhập từ Trung Quốc dùng làm nguyên liệu cho sản xuất dệt may như vải sợi, bông và máy móc. Hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khá lớn.

Việt Nam, ở một chừng mực nào đó, đang ở ngã tư đường.

Xuất khẩu của Việt Nam đang dần chiếm thị phần trên thị trường quốc tế nhờ vào các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Các bước tiếp Việt Nam nên hướng tới là đẩy mạnh hơn nữa tự do thương mại quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do với các đối tác Hàn Quốc, châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cạnh đó tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần, giảm sự thiếu hụt lao động lành nghề và tăng khả năng quản lý chuỗi cung ứng và liên kết với các công ty nước ngoài.

Ảnh hưởng nặng nhất là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, hoa quả tươi.

Bà Lý Kim Chi,  Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM

Bình quân 3 năm gần đây, Trung Quốc chiếm tỷ trọng 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 32% thị phần trong 4 tháng đầu năm 2014.

Thị trường Trung Quốc dễ tính  nên được các DN lựa chọn, nhưng đa phần các mặt hàng đều xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, luôn tiềm ẩn những rủi ro.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo cả nước là 6,6 triệu tấn trong năm 2013 và thị trường Trung Quốc chiếm 30%. Ngoài ra còn xuất khẩu tiểu ngạch. Chính sự dễ dãi của thị trường Trung Quốc đã làm nhiều DN xuất khẩu gạo chủ quan, buông lỏng các thị trường khác. Do vậy, khi có sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn. Mặt khác, trong quá trình giao thương, phía DN Trung Quốc hay hủy hợp đồng lớn, áp bán giá thấp, khiến nhiều DN Việt Nam thua lỗ.

Một số DN nước ta hiện nay đã ý thức được vấn đề nên đã tìm cách tháo gỡ bằng việc cơ cấu phân bổ lại thị trường theo nguyên tắc “không bỏ trứng vào cùng một rổ”, đồng thời thiết lập những vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát chất lượng từ nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ để tiếp cận đến các thị trường khác.

Bảo Giang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục