Cảnh báo doanh nghiệp lớn

(ĐTCK-online) Một điều khá bất ngờ là các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, chứ không phải là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng được Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - EU (VEUBF) lựa chọn để phát không cuốn sách hướng dẫn về quản trị doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên VEUBF biên soạn cuốn sách này theo hình thức sổ tay hướng dẫn cho các giám đốc doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn vào hoạt động hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này thì có thể thấy ngay rằng, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn còn xa mới đạt được những tiêu chí về quản trị theo thông lệ quốc tế. Đương nhiên, một liên hệ khác là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có lẽ còn chưa đủ điều kiện, nhất là về trình độ, năng lực để tiếp cận được tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp.
Sự lựa chọn đúng mô thức quản trị là bàn đạp vững vàng để doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Sự lựa chọn đúng mô thức quản trị là bàn đạp vững vàng để doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.

Lâu nay, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam vốn được coi là có nhiều thuận lợi hơn cả trong ý thức lẫn khả năng về nguồn lực để cải thiện năng lực quản trị. Không những thế, sự lớn lên của các doanh nghiệp này thường được lấy làm ví dụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về giá trị thực tiễn của quản trị tốt. Chính vì quan điểm này mà phần lớn sự hỗ trợ của các tổ chức, hiệp hội… về quản trị doanh nghiệp thường xuyên hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các vị trí lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các cổ đông nhỏ.

Việc VEUBF lựa chọn doanh nghiệp lớn để hỗ trợ thực ra không chỉ là một cách nhìn nhận, mà còn là một sự cảnh báo tiếp tục về nền tảng khá yếu ớt của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam . Nếu như vào năm ngoái, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) khi xếp hạng 200 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã khẳng định rằng, chưa một doanh nghiệp nào vượt qua quy mô vừa so với tiêu chí chung của thế giới; Ngân hàng Thế giới vẫn xếp hạng rất thấp tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam vì lý do quản trị kém… thì năm nay, với động thái của VEUBF, vị trí khá thấp của các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong đánh giá từ phía các chuyên gia quốc tế vẫn chưa được cải thiện là mấy. Cần phải nói, không chỉ là quy mô mà cả sự bền vững của doanh nghiệp lớn Việt Nam đều chưa đạt chuẩn.

Trong tháng 9 tới đây, Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cũng có đề nghị mời các doanh nghiệp tham gia Tọa đàm xúc tiến Việt Nam - Nhật Bản tới trực tiếp một số doanh nghiệp thành công của Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm của một số vị lãnh đạo doanh nghiệp. Theo như phân tích của Jetro thì đây là một hoạt động mới bên lề Tọa đàm nhằm hỗ trợ các giám đốc doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực quan tới cách thức quản trị, quản lý và điều hành doanh nghiệp Nhật Bản. Cách học hỏi trực tiếp như vậy được các chuyên gia Jetro kỳ vọng là sẽ tạo nên một sự chuyển giao công nghệ quản lý tích cực và sinh động nhất. Tất nhiên, hiệu quả của sự chuyển giao này lại không chỉ nằm trong ý muốn chủ quan từ phía ban tổ chức cũng như sự nhiệt tình tham gia của các vị lãnh đạo doanh nghiệp thành công của Nhật Bản.

Rõ ràng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang rất cần sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để góp phần tạo nên sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn và hấp dẫn của môi trường kinh doanh, những yếu tố quan trọng của doanh nghiệp đều đang bị cảnh báo ở cấp độ cao.

Cần phải nói rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt có tính chất quyết định. Những khó khăn của nền kinh tế nói chung cũng như tác động khá bất lợi của diễn biến thị trường đang buộc nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp lớn, phải có sự lựa chọn hợp lý. Chính sự lựa chọn đúng mô thức quản trị doanh nghiệp phù hợp sẽ không chỉ là giải pháp để các doanh nghiệp phát triển ổn định trong thời buổi khó khăn, mà còn là bàn đạp vững vàng để doanh nghiệp tăng trưởng mạnh khi thời cơ thuận lợi đến.

Không những thế, quản trị doanh nghiệp tốt cũng được coi là chìa khoá mở ra cánh cửa hợp tác với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng như tăng cường tính khả thi của các mối giao lưu với doanh nghiệp thế giới. Những băn khoăn về khả năng doanh nghiệp Việt Nam có ngồi được cùng bàn, có đủ sức chơi cùng một sân hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng doanh nghiệp của Việt Nam bắt kịp với các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị như thế nào.

Độ trễ trong việc phổ cập quản trị doanh nghiệp tốt trong cộng đồng doanh nghiệp lớn của Việt Nam được dự đoán là khoảng 2 - 3 năm tới. Cho dù tốc độ này được đánh giá là sẽ nhanh hơn khá nhiều một số quốc gia đi trước, song nếu như nhìn vào tỷ lệ 96% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì công cuộc học để lớn hơn hoàn toàn không đơn giản.         

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục