Cảnh báo đỏ về P2P Lending biến tướng

0:00 / 0:00
0:00

Việc các công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) nước ngoài biến tướng đang hoành hành tại Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết về kiểm soát, quản lý mô hình mới này.

Cảnh báo đỏ về P2P Lending biến tướng

Bộ, ngành liên tục cảnh báo đỏ

Theo Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực tăng cường quản lý hoạt động P2P Lending, thì các công ty P2P Lending nước ngoài, đặc biệt là các công ty của Trung Quốc, đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P Lending, nên các công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Hoạt động của mô hình P2P Lending mang lại ảnh hưởng tích cực, nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ, thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, đặc biệt là có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.

“Một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình kinh doanh chia sẻ P2P Lending kiểu như vậy để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân”, báo cáo này nhận định.

Mới đây, Bộ Công an cũng đưa ra cảnh báo đối với hoạt động của các công ty P2P Lending “ngoại” hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, hiện chưa có quy định pháp luật về hoạt động này, nhưng cả nước đang có khoảng 100 công ty P2P Lending. Các công ty hoạt động biến tướng, không đúng bản chất của loại hình này là kết nối người cho vay với người vay. Một số công ty lách luật thu thêm phí dịch vụ, nâng lãi suất lên tới 700%/năm.

Các công ty P2P Lending đang cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, bán dữ liệu, thông tin cá nhân người vay để quảng cáo, môi giới, tiếp thị theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống. Trong đó, có công ty cho vay ngang hàng sau 3 năm hoạt động có tới 14.000 tổ chức, cá nhân tham gia với vai trò bên cho vay, 1,5 triệu cá nhân tham gia với vai trò người vay. Công ty có hoạt động P2P Lending đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh như dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính nên khó kiểm soát.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lập Đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động P2P Lending của một số công ty tại TP.HCM và Hà Nội. Kết quả cho thấy, một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ và tự nhận là công ty P2P Lending cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến. Sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được các công ty này vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo; thời gian vay ngắn; khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay.

Đề xuất sớm cho phép thí điểm P2P Lending

Đánh giá về hoạt động P2P Lending của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin cho biết, trên thực tế, thị trường đã xuất hiện hàng loạt công ty P2P Lending nước ngoài dưới vỏ bọc là công ty đăng ký trong nước hoạt động kiểu tranh thủ trục lợi với phương thức cho vay online cùng thủ tục quá dễ dãi, sau đó thu lãi, phí khủng, tạo tâm lý và thói quen tiêu cực cho người dân. Khi khách hàng chậm trả nợ và lãi, thì doanh nghiệp P2P Lending ngoại áp dụng các biện pháp đòi nợ kiểu khủng bố người vay và người thân của họ…

Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ chế Sandbox và đang xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về thể chế thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, lĩnh vực P2P Lending đã được đưa vào Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm.

“Điều này tạo tâm lý tiêu cực cho xã hội, dễ dẫn tới hệ luỵ là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong lĩnh vực Fintech có thể bị ảnh hưởng trong việc phát triển dịch vụ hoặc được xét tham gia chương trình pháp lý thí điểm trong tương lai”, ông Vĩnh bức xúc cho biết và đề xuất Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý cho phép các doanh nghiệp P2P Lending đúng nghĩa, hoạt động nghiêm túc được tham gia thí điểm, tạo thị trường lành mạnh, đúng pháp luật, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

Theo ông Đào Minh Phú, Tổng giám đốc NextTech Group, việc chưa có hành lang pháp lý đang tạo môi trường thuận lợi cho các mô hình P2P Lending độc hại, biến tướng hoành hành trên thị trường, trở thành những ứng dụng đen online gây nhiều bất ổn cho xã hội. Trong khi đó, các mô hình P2P Lending làm ăn nghiêm chỉnh bị cạnh tranh, ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến việc bị thui chột. Vì vậy, cần sớm có hành lang pháp lý, dù là thí điểm hay thử nghiệm, để bảo vệ khách hàng, người dân, doanh nghiệp và cả môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, P2P Lending là xu hướng tất yếu của nền kinh tế số và sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam. Vì vậy, việc đưa ra hành lang pháp lý thử nghiệm sẽ đưa các công ty này vào khuôn khổ, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư và người vay, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.

“Cần sớm có hành lang pháp lý để chi phối, quản lý; quy định rõ P2P Lending có thể giới hạn phạm vi, đối tượng chỉ gồm nhà đầu tư và bên vay là cá nhân, hạn mức khoản vay tối đa. Có cơ chế cấp phép đối với công ty P2P Lending trên cơ sở xác định tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, năng lực về công nghệ. Có biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, trách nhiệm của công ty P2P Lending với nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đổ vỡ...”, ông Lực đề xuất.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục