Dù nhìn vào diễn biến hiện tại hay màn biểu diễn trong khoảng thời gian 1 năm, 3 năm, 5 năm hay 10 năm qua, Nasdaq 100 vẫn vượt trội hơn so với chỉ số thị trường chung Nasdaq Composite và S&P 500.
Diễn biến các chỉ số Nasdaq 100, Nasdaq Compositr và S&P 500 trong 10 năm qua.
Chẳng hạn, trong thập kỷ vừa qua, Nasdaq 100 tăng 496%, so với mức 205% của S&P 500 và 388% của Nasdaq Composite.
Ned Davis, chiến lược gia kỳ cựu với hơn 50 năm kinh nghiệm tại Phố Wall là chuyên gia mới nhất lên tiếng cảnh báo về đà tăng của Nasdaq 100. Đây là tiếng nói đồng điệu với nhiều thành viên thị trường khi nhóm cổ phiếu công nghệ tăng trưởng nóng, tạo động lực chính cho đà tăng của chỉ số.
Nasdaq 100 là chỉ số đo lường 100 công ty phi tài chính lớn nhất về giá trị thị trường được niêm yết trên sàn Nasdaq.
Các công ty này hoạt động tại nhiều lĩnh vực, cho dù doanh nghiệp lớn nhất thường liên quan đến công nghệ. Mỗi năm, các công ty có thể được thêm mới hoặc loại bỏ khỏi Nasdaq 100 tùy thuộc vào giá trị thị trường của chúng.
Hiện tại, cổ phiếu Facebook, Apple, Amazon, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) - hay còn gọi là nhóm FAANG, cùng cổ phiếu Tesla chiếm tới gần một nửa giá trị Nasdaq 100.
Ngay cả trong bối cảnh đại dịch hoành hành, tác động tiêu cực tới nền kinh tế và khiến số lượng người thất nghiệp gia tăng, 6 cổ phiếu này vẫn giữ vững đà tăng từ đầu năm tới nay, với mức tăng từ 16% của Alphabet cho tới 279% của Tesla.
Trong khi đó, các cổ phiếu còn lại thuộc chỉ số bị “cớm nắng” dưới cái bóng của nhóm FAANG và Tesla đã giảm giá 6 phiên trong 9 phiên gần nhất, mức giảm trung bình khoảng 4,6%, đánh dấu chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ đà hồi phục từ tháng 3/2020 tới nay.
“Nasdaq 100 đang trong tình trạng bong bóng”, Ned Davis chia sẻ trong báo cáo gửi tới khách hàng của Ned Davis Research.
Cũng theo báo cáo này, đà tăng hiện tại của Nasdaq 100 trong mối tương quan với chỉ số S&P 500 đã vượt qua mức đỉnh từng đạt được vào thời kỳ “bong bóng dotcom” năm 2000.
Trong khi đó, động lực tăng trưởng từ các công ty Internet và phần mềm khiến hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) đang ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua.
Cùng chung quan điểm, chiến lược gia Tony Dwyer tại Canaccord Genuity LLC cho biết, có nhiều yếu tố gây rủi ro lớn hơn đối với nhà đầu tư tập trung vào chỉ số Nasdaq 100 so với thời điểm năm 2000.
Đầu tiên, trong thời kỳ “bong bóng dotcom”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách thắt chặt, lãi suất cơ bản ở mức 6,5%/năm.
Hiện tại, Fed hạ lãi suất xuống gần mức 0, nhấn mạnh việc sẽ duy trì tình trạng này nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế trước tác động của đại dịch.
Nguồn vốn giá rẻ sẽ là “mồi lửa” đối với những loại tài sản đang ở tình trạng bong bóng như hiện nay.
Thứ hai, tình trạng thống trị của một số cổ phiếu lớn. Không ít người đặt câu hỏi, liệu Facebook, Amazon và Alphabet có được xếp vào nhóm cổ phiếu công nghệ - lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng tích cực và có đóng góp cho những cải tiến trong tương lai, trong khi hoạt động chính của các doanh nghiệp này thuộc về truyền thông, buôn bán hàng tiêu dùng…
Trong khi đó, với sự góp mặt của các tên tuổi kể trên, nhóm cổ phiếu công nghệ đã gia tăng sự hiện diện, chiếm 41% chỉ số Nasdaq 100, vượt qua mức đỉnh 32,5% thời kỳ “bong bóng dotcom”.
Đáng chú ý, mức độ “bành trướng” này là lớn nhất so với mọi lĩnh vực khác góp mặt trong chỉ số kể từ năm 1980 tới nay.
Theo số liệu của DataTrek, việc một nhóm cổ phiếu tăng trưởng nóng và chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số cũng từng diễn ra, đó là nhóm năng lượng vào tháng 12/1980 với tỷ trọng 29%.
“Tôi cho rằng, nhiều thành viên thị trường đều có chung suy nghĩ, nhóm cổ phiếu công nghệ đang trong tình trạng bong bóng tương tự nhóm năng lượng vào năm 1980. Vấn đề chỉ là thời điểm ‘bùng nổ’ chưa tới”, Nicholas Colas, đồng sáng lập Datatrek nhận định.