Căng thẳng thanh khoản tại QCG

(ĐTCK) Mặc dù doanh thu tăng và CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) ghi nhận lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2012, nhưng không có nghĩa căng thẳng thanh khoản ở QCG đã hết.
Căng thẳng thanh khoản tại QCG

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2012, tính đến hết tháng 6, QCG đạt doanh thu 80,9 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn chiếm tới 94,3% doanh thu nên lãi gộp của QCG trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 5,5 tỷ đồng. Mức lãi này không đủ để QCG trang trải chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, chứ chưa nói đến chi phí lãi vay tăng mạnh từ 29,1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2011 lên 42,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2012. Vì thế, nếu không nhờ khoản hoàn nhập dự phòng 7,5 tỷ đồng và một số nguồn thu khác, thì QCG sẽ lỗ quý thứ tư liên tiếp, chứ không lãi 2,1 tỷ đồng trong 6 tháng như ghi nhận.

Căng thẳng thanh khoản tại QCG ảnh 1

Khó khăn càng gia tăng khi QCG đang chịu nhiều áp lực về dòng tiền. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý II/2012, sở dĩ dòng tiền của QCG vẫn dương 15,3 tỷ đồng chủ yếu là nhờ Công ty thu được gần 100 tỷ đồng từ khoản phải thu và giảm được các khoản phải trả trong kỳ (các khoản phải trả trong tương lai tăng lên). Nhưng không như 6 tháng đầu năm ngoái, do giảm hơn 94% nguồn thu từ thanh lý các khoản đầu tư góp vốn và giảm 93% lượng tiền giải ngân từ ngân hàng so với cùng kỳ năm trước, nên dòng tiền của QCG bị âm trong hoạt động đầu tư và tài chính.

Trước tình trạng giải ngân từ ngân hàng giảm mạnh, QCG khó hy vọng gia tăng dòng tiền từ vốn vay. Bản thân Ban lãnh đạo QCG cũng xác định, cần giảm tối đa vốn vay. Nhưng dòng tiền từ kinh doanh dự báo chưa thể khả quan, do doanh thu của Công ty vẫn dựa chủ yếu vào bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm nay, QCG chỉ thu được 39 tỷ đồng từ bán hàng hóa (tức sản phẩm bàn giao) và 41,7 tỷ đồng từ bất động sản. QCG vẫn còn tồn kho 2.846,2 tỷ đồng, với 88% là tồn kho bất động sản dở dang. Tính ra, giá trị tồn kho này tăng 10% so với cuối năm ngoái và chiếm 54% tổng tài sản. Có tỷ trọng nhiều nhất trong tồn kho bất động sản là các dự án: Khu dân cư Phước Kiển (1.677,6 tỷ đồng), Chung cư QCGL II (360,4 tỷ đồng), Chung cư Giai Việt (255,3 tỷ đồng), Trung Nghĩa (153,6 tỷ đồng)…

Mặc dù tồn kho lớn là tình trạng chung của nhiều DN bất động sản, nhưng tồn kho bất động sản hàng hóa (Dự án The Mansion) của QCG tăng hơn 2 lần so với đầu năm cho thấy tính chất ác liệt của thị trường và Công ty gặp khó khăn trong cả bán các sản phẩm hoàn thiện.

Thực tế, QCG vẫn còn khoản phải thu ngắn hạn hơn 543 tỷ đồng. Nếu QCG có thể gom hết khoản phải thu này, thì dòng tiền của Công ty sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, theo thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2012, QCG phải trích lập dự phòng hơn 15,5 tỷ đồng cho 43,6 tỷ đồng khoản phải thu khách hàng. Với các khoản trả trước và phải thu khác, phần lớn tiền chi của Công ty là cho bên thứ ba và các bên liên quan. Nhưng thông tin về bên thứ ba và các bên liên quan lại không được đề cập trong thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2012. Vì thế, nhà đầu tư thiếu cơ sở để đánh giá khả năng thu tiền từ những nguồn này của QCG.

Trong khi đó, QCG đang chịu áp lực nợ vây bủa. Ngoài nợ vay ngắn hạn hơn 90,8 tỷ đồng phải trả trong năm nay (của Ngân hàng Liên doanh Việt Nga gần 48 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam 26 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam 17 tỷ đồng), ngày 9/12/2012, Công ty còn phải trả 136,5 tỷ đồng từ trái phiếu chuyển đổi cho VOF PE Holding 5 Limited. Đây là số trái phiếu QCG đã phát hành từ 2 năm trước và không như VinaCapital VN Fixed Income Fund Ltd, VOF không đồng ý chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu. Nếu tính thêm các khoản phải trả người bán, thuế, chi phí phải trả, phải trả phải nộp ngắn hạn khác lên đến gần 1.000 tỷ đồng, thì áp lực cho QCG càng nặng nề.

Đó là chưa kể, QCG ghi nhận hơn 652 tỷ đồng từ doanh thu chưa thực hiện, tăng hơn 10 lần so với đầu năm. Điều này cho thấy, QCG đẩy mạnh bán hàng ở những dự án chưa được hạch toán vào doanh thu. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà áp lực phải tiếp tục đầu tư, đảm bảo tiến độ các dự án như cam kết với khách hàng là rất lớn. Ngoài ra, QCG vẫn phải rót thêm vốn cho các dự án như thủy điện.

Nhiều chuyên gia nhận định, QCG cũng sẽ phải chọn con đường như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác đã chọn, đó là bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án để cải thiện thanh khoản cho mình.

Đại Nghĩa
Đại Nghĩa

Tin cùng chuyên mục