Cảng Phước An (PAP) bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trải qua nhiều đợt phát hành riêng lẻ, quyền chi phối Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác cảng Phước An (mã PAP) đã chuyển từ cổ đông nhà nước sang nhóm cổ đông tư nhân và tại đại hội cổ đông năm 2024 có sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn.
Cảng Phước An dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ tháng 9/2024 Cảng Phước An dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ tháng 9/2024

    Cảng chuẩn bị đi vào hoạt động

    Sau nhiều năm xây dựng và triển khai dự án Cảng Phước An, chủ đầu tư là PAP dự kiến sẽ đưa cảng vào khai thác từ tháng 9/2024, khi tuyến đường vào cảng tới Khu công nghiệp Nhơn Trạch đã chính thức thông xe. PAP đã thông báo tuyển dụng nhiều vị trí liên quan tới vận hành cảng.

    Dự kiến, giai đoạn đầu, PAP sẽ đưa vào khai thác cảng cầu số 5 và 6, với chiều dài 670 m, năng lực khai thác là 2,2 triệu Teu và 4 triệu tấn hàng hoá tổng hợp mỗi năm, khả năng đón tàu lên tới 60.000 DWT.

    Việc đưa cảng Phước An vào khai thác sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với PAP, sau một giai đoạn dài đầu tư, giãn tiến độ dự án.

    PAP được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ đăng ký là 500 tỷ đồng, nhưng tính tới tháng 10/2010, vốn điều lệ thực góp là 440 tỷ đồng. Xét theo vốn thực góp tại thời điểm thành lập, nhóm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 35 triệu cổ phiếu PAP, tương đương 79,55% vốn điều lệ; Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) sở hữu 17,05% vốn điều lệ; còn lại 3,4% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.

    Dự án Cảng Phước An triển khai kéo dài nên PAP thường xuyên thua lỗ, do các chi phí phát sinh liên quan tới hoạt động đầu tư, vận hành dự án. Nửa đầu năm 2024, PAP lỗ thêm 3,4 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế tới ngày 30/6/2024 là 17,3 tỷ đồng, bằng 0,87% vốn điều lệ.

    Tại thời điểm cuối quý II/2024, PAP có 54,5 tỷ đồng tiền mặt, nhưng tổng nợ vay lên tới 2.292,5 tỷ đồng, bằng 109,9% tổng vốn chủ sở hữu và phần lớn tài sản là chi phí đầu tư xây dựng cảng Phước An, chiếm 92,4% (5.339,5 tỷ đồng).

    Về hệ số nợ vay, nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư khai thác cảng có hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu rất thấp so với PAP. Tính tới cuối quý II/2024, hệ số này đối với Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) là 19%, Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá (mã DXP) là 14%, Công ty cổ phần Container Việt Nam (mã VSC) là 31%, Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh (mã CCR) là 3%…

    Có thể thấy, PAP đang sử dụng tỷ lệ đòn bẩy khá lớn so với ngành khi đầu tư vào một cảng hoàn toàn mới là cảng Phước An. Trong khi đó, ở giai đoạn đầu tư ban đầu, chi phí lãi vay được vốn hoá vào tổng vốn đầu tư, chỉ khi dự án đi vào hoạt động, các chi phí này mới bắt đầu được hạch toán.

    Như vậy, khi cảng Phước An đi vào hoạt động, bên cạnh câu chuyện bắt đầu ghi nhận doanh thu, PAP sẽ phải hạch toán chi phí lãi vay, khấu hao tài sản cố định. Đồng thời, Công ty phải đưa ra các chính sách hấp dẫn để thu hút các hãng tàu chọn cảng Phước An là nơi bốc dỡ hàng hoá, thay vì chọn các cụm cảng lân cận, đặc biệt là cụm cảng Cái Mép vốn phát triển mạnh trong nhiều năm qua, hay cảng Gemalink có thể đón tàu có trọng tài lên tới 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (cảng Phước An chỉ đón tàu trọng tải 60.000 DWT).

    Bất đồng tại đại hội cổ đông 2024

    Nhóm cổ đông đại diện 35 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 17,5% vốn điều lệ PAP đã phủ quyết nhiều tờ trình quan trọng tại đại hội cổ đông 2024.

    Ngày 23/7/2024, PAP đã phát hành thêm 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nâng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.320 tỷ đồng.

    Nhìn lại quá trình tăng vốn trước đó, PAP đã thực hiện chào bán riêng lẻ 4 đợt. Cụ thể, năm 2016, Công ty phát hành 46 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017 phát hành 20 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021 phát hành 40 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng; năm 2022 phát hành 50 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng.

    Do PAP phát hành riêng lẻ nên cổ đông sáng lập là PVN tuy vẫn nắm giữ 35 triệu cổ phiếu từ ngày thành lập nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 79,55% xuống 15,09%. Trong đó, sau lần tăng vốn năm 2016, MTV Hoành Sơn trở thành công ty mẹ của PAP, thay thế PVN, đồng nghĩa với quyền chi phối doanh nghiệp chuyển từ cổ đông nhà nước sang nhóm cổ đông tư nhân.

    Đáng lưu ý, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2024 của PAP tổ chức ngày 28/6, sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn nảy sinh. Nhóm cổ đông đại diện 35 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 17,5% vốn điều lệ PAP đã phủ quyết nhiều tờ trình quan trọng như báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, định hướng năm 2024; báo cáo thay đổi phương án sử dụng vốn đợt tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng; báo cáo tình hình sử dụng vốn đợt tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng; báo cáo tình hình triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu phân kỳ 1 - dự án Cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng; kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023…

    Thêm nữa, tại đại hội, ông Đào Minh Tùng, người đại diện phần vốn của PVN tại PAP đã yêu cầu Công ty lập kế hoạch tổng thể triển khai dự án Cảng Phước An, cũng như khẩn trương xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn, đảm bảo việc triển khai dự án và hoạt động hiệu quả.

    Đối với báo cáo tình hình triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu phân kỳ 1 - dự án Cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng, đại diện cổ đông PVN đề nghị PAP thực hiện lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai minh bạch, hiệu quả.

    Những nội dung yêu cầu và sự phủ quyết nhiều nội dung quan trọng tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông PAP của nhóm cổ đông sở hữu 35 triệu cổ phiếu nhiều khả năng liên quan tới sự bất đồng của cổ đông PVN. Tuy nhiên, do không sở hữu chi phối nên mặc dù nhóm này phủ quyết hầu hết tờ trình nhưng vẫn đại hội vẫn thông qua.

    Duy Bắc

    Tin liên quan

    Tin cùng chuyên mục