Càng mở rộng, Lộc Trời càng đuối kinh doanh

(ĐTCK) Ngày 24/7 tới, Tập đoàn Lộc Trời (tên gọi cũ là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang) sẽ chính thức lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán LTG. Nức tiếng một thời là doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng liên tục, nay Lộc Trời đang gặp nhiều thách thức khi tiến sâu vào chuỗi giá trị lương thực.
Mảng lúa gạo của Lộc Trời triển khai được 5 năm nhưng năm 2017 này mới có khả năng hòa vốn

Chùng chân vì mô hình quản trị cũ

Lộc Trời kinh doanh trong 3 lĩnh vực chính, là thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng; giống cây trồng và chế biến lương thực. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật là hoạt động truyền thống và là thế mạnh, đóng góp chủ yếu (hơn 60%) trong tổng doanh thu của Tập đoàn. Với vị thế đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Lộc Trời đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong gần hai thập kỷ, trước khi chững lại trong vài năm gần đây.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra vào cuối tuần trước, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời thừa nhận, chính vì mải mê chạy theo đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian dài mà Ban lãnh đạo Công ty đã quên nhìn lại nội tại doanh nghiệp.

Mô hình kinh doanh cũ kỹ, không thay đổi trong nhiều năm đã bộc lộ những bất cập khi Công ty mở rộng hoạt động kinh doanh, tiến sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp.

Theo ông ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, vì mải mê  chạy theo đà tăng trưởng, Ban lãnh đạo Công ty đã quên nhìn lại nội tại doanh nghiệp

Ông Thòn cho biết, năm 2014, hoạt động của Lộc Trời có dấu hiệu chùng xuống và Công ty mới bắt đầu tìm ra nguyên nhân và quyết định bắt tay vào tái cấu trúc doanh nghiệp, rũ bỏ mô hình kinh doanh cũ, khiến kết quả kinh doanh năm 2015 - 2016 sụt giảm.

Hoạt động kinh doanh của Công ty khó khăn, theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Trưởng ban chiến lược Tập đoàn Lộc Trời, cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan.

Đối với mảng giống cây trồng (giống lúa, giống cây màu và giống bắp lai), mảng giống bắp lai toàn thị trường giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi giá dầu giảm, nên nguyên liệu bắp để làm xăng sinh học trên thế giới sụt giảm theo.

Đa phần các công ty kinh doanh giống bắp lai đều sụt giảm. Trong khi đó, Lộc Trời dự trữ lượng lớn giống lúa để phục vụ cho ngành gạo trong xuất khẩu, nhưng diễn biến thị trường kém khả quan, đầu ra gặp khó nên mảng này của Công ty cũng ảnh hưởng tiêu cực.

Với lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật và sản phẩm phân bón, Công ty gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ với hơn 200 doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và hơn 800 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh phân bón.

Trong bối cảnh đó, Lộc Trời buộc phải thay đổi và Công ty đã quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp, từ bỏ mô hình kinh doanh cũ. Đối với hệ thống phân phối, từ việc phục vụ cho 200 - 300 đại lý trung gian, chủ yếu ở khu vực thành thị, Lộc Trời đã phát triển lên 5.000 đại lý trên khắp cả nước.

Theo đó, Công ty phải tăng cường mảng logicstic, mở thêm chi nhánh, kho bãi và chi phí phục vụ cho các đại lý mới giai đoạn đầu gia tăng. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh số của Công ty sụt giảm, chi phí bán hàng, quảng cáo tăng mạnh trong năm qua.

Cụ thể, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, lần lượt chiếm 39% và 26,4% trong lợi nhuận gộp. Trong đó, chi phí nhân viên và quảng cáo, khuyến mãi chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 209 tỷ đồng và 190 tỷ đồng, tương ứng 18% và 12% lợi nhuận gộp.

Sức ép thị trường ngày càng khốc liệt

Theo chiến lược hoạt động, đến năm 2021, Lộc Trời phấn đấu đạt lợi nhuận sau thuế 65 triệu USD, vốn hóa 1 tỷ USD và thị phần mảng thuốc bảo vệ thực vật là 30% (hiện nay là 20%). Mục tiêu này khá tham vọng khi Công ty mới tái cấu trúc xong giai đoạn 1, hệ thống phân phối cũng cần thời gian để vận hành trơn tru và đặc biệt, thị trường thời nay đã có nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn.

Mảng thuốc bảo vệ thực vật không phải không có rủi ro. Hiện nay, thuốc có 3 dạng: nhập toàn bộ nguyên liệu của nhà cung cấp và chế biến theo công thức của họ, hoặc nhập của nhiều nhà cung cấp với mỗi thành phần khác nhau và chế biến theo công thức của chính doanh nghiệp và ba là nhập toàn bộ về phân phối lại.

Đối với Lộc Trời, tỷ lệ nhập hoàn toàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, hơn 60% nên có rủi ro về mặt tỷ giá và biến động giá nguyên liệu, trong khi Tập đoàn không thể chuyển hết phần rủi ro này cho người nông dân.

Đối với mảng lúa gạo và rau màu, biên lợi nhuận rất thấp. Cụ thể, triển khai từ 5 năm trước mà đến năm 2017 này,  Lộc Trời mới có khả năng hòa vốn.

Tham vọng của Lộc Trời là dần hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp, từ khâu giống, thuốc trừ sâu, sản phẩm lúa gạo… Nhưng để lấy lại được đà tăng trưởng tốt khi quy mô đã mở rộng hơn nhiều và bối cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi, khi sức ép cạnh tranh ngày một lớn là thách thức không nhỏ với Ban lãnh đạo Tập đoàn.

Phan Hằng
 "Soi" báo cáo tài chính của Lộc Trời

Năm 2016 là năm đầu tiên doanh thu của Lộc Trời sụt giảm sau khi tăng trưởng bình quân 22,8% trong suốt giai đoạn 2005 - 2015. Quý I năm nay, doanh thu và lợi nhuận của Công ty tiếp tục giảm tốc.

Những năm qua, mặc dù đặt kế hoạch kinh doanh khá tích cực, nhưng Công ty cũng liên tục không đạt kế hoạch năm. Cụ thể, năm 2015, Công ty thực hiện được 7.856 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 319 tỷ đồng, chỉ đạt 78% kế hoạch doanh thu và gần 70% kế hoạch lợi nhuận.

Năm 2016, Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu thuần 9.393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 425 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ có 85,1% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận được hoàn thành. 

Năm 2017, Lộc Trời đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% về doanh thu lên 8.287 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng trưởng khá mạnh tới 31,8%, mục tiêu đạt 460 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết quý I/2017, Công ty mới đạt 1.646,8 tỷ đồng doanh thu, 78,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 7,89% và 11,87% so với cùng kỳ 2016. Do vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch 2017 vẫn còn khá nhiều thách thức.

Trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của Lộc Trời hiện nay, phần lớn vẫn đến từ lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, lĩnh vực tạo lên thương hiệu, tên tuổi của Công ty những năm trước.

Đây cũng là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất (35,6%) và ghi nhận mức tăng trưởng 16,7% trong năm 2016. Trong khi đó, mảng kinh doanh lúa gạo, chiếm 31,97% tổng doanh thu 2016 lại có biên lợi nhuận khá thấp, chỉ 4,2%.

Hoạt động kinh doanh hạt giống cây trồng (đứng thứ 3 trong cơ cấu doanh thu với tỷ lệ 7,87%) đã giảm khá mạnh trong 2 năm trở lại đây. Sau khi giảm 15% so với năm trước trong năm 2015, đến năm 2016, doanh thu mảng này tiếp tục sụt giảm 15,9%, chỉ còn 529,5 tỷ đồng, biên lợi nhuận cũng thu hẹp từ 34,7% xuống 22,4%.

Tính chung cả năm qua, biên lợi nhuận gộp hợp nhất toàn Công ty đạt 20,76%, giảm nhẹ so với mức 22,11% của 2015. Trong đó, nguyên vật liệu tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất, chiếm tới 89,05% giá vốn.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng liên tục chiếm tỷ trọng lớn so với lợi nhuận gộp. Năm 2016, tỷ lệ chi phí bán hàng là 38,86%, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 26,4%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 26,7% lợi nhuận gộp. 

Trong cơ cấu nguồn vốn, theo báo cáo tài chính của Lộc Trời, tính đến hết năm 2016, nợ phải trả chiếm 64,67%, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn (47,82%) và phải trả người bán (38,79%). Dòng luân chuyển vay và trả nợ trên dưới 5.000 tỷ đồng mỗi chiều trong 2016 (năm 2015, con số này là trên dưới 6.000 tỷ đồng).

Dẫu cho với một doanh nghiệp có hoạt động chính là thương mại, sử dụng vay nợ bổ sung vốn lưu động không phải là điều lạ, nhưng với sự quay vòng vốn lớn, khả năng thanh toán của Công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu xảy ra sự cố trong việc thu hồi công nợ hay xoay vòng vốn. Nhất là trong điều kiện, tài sản của Công ty chủ yếu nằm ở phải thu và tồn kho lớn, tiền mặt ít.

Trong cơ cấu tài sản cuối 2016, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu với tỷ lệ 69,33%. Trong đó, hàng tồn kho và khoản phải thu là 2 khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỷ lệ lần lượt là 35,23% và 28,79% tổng tài sản. Tỷ lệ tiền mặt chiếm tỷ trọng thấp, chỉ 4,53%.

Tính đến cuối 2016, Lộc Trời có 285,4 tỷ đồng phải thu khó đòi, tăng 30,18% so với cùng kỳ và đã phải trích lập dự phòng rủi ro 151,67 tỷ đồng (53,14%). Trích lập trong năm tăng 50,7 tỷ đồng, tương đương 11,6% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Lộc Trời cũng biến động khá thất thường. Năm 2015, con số này âm 320,5 tỷ đồng, năm 2016 dương 1.060 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý I/2017 lại âm trở lại 738,3 tỷ đồng. Đây là những yếu tố rủi ro cho việc chủ động nguồn tiền hoạt động kinh doanh, chi trả nợ trong doanh nghiệp.  

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục