Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG thay mặt đối tác hợp tác đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) vừa đưa ra những kế hoạch, lộ trình và quyết tâm đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu trở thành cảng biển đặc biệt của quốc gia, có thể khai thác kinh tế biển cùng các cảng khác trong nước như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép-Thị Vải (TPHCM)...
Đây cũng là chiến lược phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư cảng Liên Chiểu mà TP. Đà Nẵng đang tiến hành. “Cảng Liên Chiểu có lợi gần đường sắt, đường bộ, các luồng hàng hải quốc tế, gần trung tâm logistic sân bay, lại được đón nguồn hàng phía Tây (Thái Lan, Myanmar)…”- Sở GTVT Đà Nẵng khẳng định.
Lãnh đạo hai Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và BRG khảo sát thực tế hiện trường đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu |
Lợi thế này, theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, đang được Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tập đoàn Sumitomo nghiên cứu, khai thác và muốn đưa Liên Chiểu tiến lên cảng đặc biệt, cảng giao thương trung chuyển lớn nhất khu vực miền Trung. “Chắc chắn bên phía Nhật Bản sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án khả thi.
Và, Tập đoàn Sumitomo muốn tham gia vào với sự quyết tâm cao nhất. Rất mừng là Đà Nẵng đã có quy hoạch hạ tầng cảng biển, sân bay để có một cụm cơ sở hạ tầng đặc biệt, cũng sẽ là hậu cần quan trọng, sinh khí và nội lực mạnh mẽ cho cả khu vực hoạt động, sinh sống và phát triển”- Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Nga, BRG có một quyết tâm rất cao cùng với Sumitomo làm cái gì đó cho Đà Nẵng. Sắp tới đây, hàng trăm nhân lực có chuyên môn cao chuyên nghiên cứu về các dự án liên quan của Sumitomo sẽ tiến hành bắt tay nghiên cứu rất kĩ và sẽ triển khai nhanh chóng bằng chính thực lực của các nhà đầu tư.
“Đà Nẵng có những quan ngại như thế nào thì cứ trao đổi với chúng tôi để cả hai cùng phối hợp để có thể làm được dự án này. Về phía nhà đầu tư, rất mong được hợp tác với Jica để tiếp cận thông tin dự án và chiến lược đầu tư hiệu quả” - bà Nguyễn Thị Nga nêu vấn đề với Đà Nẵng.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ thêm về dự án cảng Liên Chiểu: “Đà Nẵng đã làm việc với Jica về cảng Liên Chiểu và Jica đã đồng đồng ý sẽ tiến hành cùng Sumitomo về dự án cảng Liên Chiểu nhằm có được nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, khoa học để dự án hiệu quả. Bên Sumitomo đã nhận lời của Đà Nẵng sẽ qua thăm Việt Nam và sẽ đến thăm Đà Nẵng”.
Nắm bắt kĩ hơn về những đề xuất của nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng quan tâm đến những đề xuất từ phía Tập đoàn Sumitomo là có đề nghị gì với Đà Nẵng, đặc biệt là kết nối với Jica?
“Jica đã có những nghiên cứu và có dữ liệu dự án cảng Liên Chiểu mà phía Sumitomo đang quan tâm. Theo kế hoạch, tháng 5/2022, Jica sẽ hoàn tất nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu. Vì vậy, phía Sumitomo mong muốn Đà Nẵng thu xếp buổi làm việc ba bên giữa Sumitomo, Jica và Đà Nẵng tiến hành ký một bản ghi nhớ với Jica để có thể nghiên cứu chi tiết hơn nữa”- phía Sumitomo đề nghị.
Vì sao Sumitomo muốn sự có mặt của Jica, bà Nguyễn Thị Nga giả thích thêm: “Nếu dự án có Jica tham gia thì sẽ có những hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản”. “Đà Nẵng rất ủng hộ, phía Sumitomo có những đề xuất gì thì đề xuất với Đà Nẵng để Đà Nẵng làm việc với Jica”- ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định.
Về tiến độ đầu tư, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng “sốt ruột” trao đổi thêm với nhà đầu tư: “Bên cạnh quyết tâm đầu tư cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng song song kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng để khai thác cảng. Tại sao Đà Nẵng phải làm nhanh cảng Liên Chiểu, là để tận dụng cát nhiễm mặn để bổ sung cho vùng trũng là rất thuận lợi, nếu không sẽ phải đổ thải ra biển, lãng phí tài nguyên. Quan điểm của Đà Nẵng hiện nay là cảng biển, sân bay không phải chỉ để phát triển giao thông nữa, mà là đầu mối để phát triển đô thị nên bên cạnh xây dựng cảng, Đà Nẵng cũng đồng thời kêu gọi đầu tư khu đô thị cảng biển nên phía nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng các phương án này”. “Muốn đẩy nhanh tiến độ, nhà đầu tư đề xuất Thành lập tổ công tác hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và các nhà đầu tư để xử lý các thủ tục liên quan cũng như cung cấp các thông tin nhà đầu tư cần biết”- bà Nguyễn Thị Nga đề xuất.
Và làm việc trực tiếp với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về những dự án quan tâm |
“Đà Nẵng muốn làm song song, vừa đầu tư công (địa phương và trung ương) làm hạ tầng dùng chung: kè, giao thông… đồng thời kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư bến thứ 1 và nghiên cứu theo định hướng tăng thêm chiều dài là 900m (trước đây là 750m). Đồng thời, thu hút các hãng tàu, nhà đầu tư có tiềm năng về hàng hải để có đơn hàng sau này phục vụ cảng. Đà Nẵng đang quy hoạch sớm toàn bộ phân khu, trong đó có nội dung về đô thị cảng. Ba yếu tố, cảng-logistic, đô thị phải gắn kết với nhau”- ông Nguyễn Văn Quảng thông tin và thống nhất với nhà đầu tư thành lập tổ công tác phối hợp giữa nhà đầu tư và chính quyền, giao Ban hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng làm đầu mối để tháng 9/2022 khởi công được cảng Liên Chiểu phần hạ tầng dùng chung.
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu bao gồm 2 hợp phần.
Trong đó, Hợp phần A quy mô dự án, gồm: Đê, kè chắn sóng : 1170m; Luồng tàu: Dài 7,25km; Rộng 160m; cao độ đáy:-14m(HĐ); Vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000DWT (6.000-8.000 Teu); Giao thông đường bộ kết nối đến cảng; Hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng. Kinh phí đầu tư khoảng 3.426,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện từ 2021 - 2025.
Hợp phần B: Công trình bến cảng – thu hút các Doanh nghiệp thực hiện có Tổng diện tích: 45,45ha với hai cầu cảng dài 750m