Theo ông Vũ Tuấn Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, năm 2019, sản lượng container qua Cảng Ðình Vũ ước đạt 556.000 Teus (101,09% kế hoạch năm, 84,63% kế hoạch năm 2018) do sự sáp nhập để hình thành Hãng tàu ONE (Ocean Netword Express); doanh thu ước đạt 638 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 300 tỷ đồng (104,9% kế hoạch năm).
Các khách hàng chính của DVP hiện nay là Hãng tàu SITC (Trung Quốc), Hãng tàu KMTC (Korea Marine Transport Co., Ltd - Hàn Quốc), hãng tàu Sinokor Merchant Marine (Hàn Quốc), Hãng tàu HMM (Hyundai Merchant Marine - Hàn Quốc), Hãng tàu Heung-A (Hàn Quốc), Hãng tàu M.O.L (Mitsui O.S.K Lines - Nhật Bản).
Năm 2019, như đánh giá của ông Dương, tiếp tục là một năm khó khăn và nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh đối với Cảng Ðình Vũ. Các cảng mới trong khu vực vẫn tiếp tục đi vào hoạt động như Cảng Nam Ðình Vũ đưa 4 cầu tàu vào hoạt động, cảng nước sâu Lạch Huyện chính thức đi vào khai thác, Cảng Vinalines Ðình Vũ...
Ðiều này khiến sản lượng các hãng trong khu vực có xu hướng giảm, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty.
Tuy thế, Cảng Ðình Vũ vẫn thực hiện chiến lược đầu tư hướng tới mục tiêu trở thành cảng Container chuyên nghiệp, hiện đại.
Hiện, DVP đang chính sử dụng thêm 4 cần trục giàn RTG thế hệ mới nhất, nâng tổng số số giàn cần trục RTG phục vụ xếp dỡ container bãi hậu phương hiện nay là 08 RTG.
Cùng với hàng loạt hệ thống cần trục giàn QC, xe vận chuyển container chuyên dụng và các trang thiết bị xếp dỡ hiện đạị khác được tích hợp hệ thống phần mềm khai thác quản lý container theo thời gian thực, DVP đã và đang khẳng định cam kết của mình với khách hàng về chất lượng dịch vụ, năng lực xếp dỡ và tính chuyên nghiệp hóa.
Ðiều này là cơ sở vững chắc cho những quyết sách của Cảng Ðình Vũ, nhằm phát triển theo chiều sâu và chiều rộng, mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ sau cảng, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực, lợi thế của cảng, tối đa hóa lợi nhuận, tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành cảng biển.