Cơ hội và thách thức của Bình Định
Thông tin tại Hội nghị Xúc tiến thương mại với Hội Doanh nhân Việt Nam – Canada (VCBA) do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với VCBA tổ chức tại TP. Quy Nhơn ngày 28/3, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định cho biết, thị trường Canada, kể từ khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang Canada đã tăng gấp 4 lần, từ mức 4,1 triệu USD năm 2018 lên trên 17,2 triệu USD năm 2023 (riêng năm 2022 đạt 23,9 triệu USD).
Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Bình Định sang thị trường Canada chủ yếu mặt hàng hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ chất dẻo. Trong năm 2023, trong các mặt hàng chủ lực của tỉnh Bình Định sang thị trường Canada, sản phẩm hải sản đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất với gần 5,0 triệu USD; sản phẩm may mặc 4,6 triệu USD; sản phẩm gỗ tinh chế đạt 4,6 triệu USD; sản phẩm từ nhựa giả mây đạt 2,5 triệu USD.
Theo ông Tổng, cùng với các cơ hội các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh mở rộng xuất khẩu sang thị trường Canada là rất lớn (dựa trên tiềm năng và nền tảng đã, đang khai thác tốt Hiệp định CPTPP) thì địa phương cũng gặp những thách thức.
Bên cạnh các thách thức về yêu cầu về tiêu chuẩn phát triển bền vững, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa xảy ra ngày càng quyết liệt thì khoảng cách địa lý, chi phí quảng bá thâm nhập thị trường cao, chi phí vận chuyển và logistics cao cũng khiến giá xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Bình Định khó cạnh tranh so với các nước láng giềng trong khu vực châu Mỹ.
Ngoài ra, đối với các sản phẩm nông sản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh một cách đồng bộ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn cùng với VCBA mở thị trường các sản phẩm của địa phương có thể xuất khẩu sang Canada và Bắc Mỹ, trước mắt xem xét các sản phẩm từ gỗ, thủy hải sản (tôm, cá ngừ…), nông sản chế biến sâu…
Đồng thời, tỉnh tiếp tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư Canada đầu tư vào 5 trụ cột chính, gồm công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Chủ tịch tỉnh Bình Định đề nghị VCBA làm cầu nối đưa các doanh nghiệp, nhà đầu tư Canada đến với Bình Định, Việt Nam để cùng gặt hái những thành công.
Nhận diện thị trường Canada
Ông Dan On, Chủ tịch VCBA cho hay, hiện nay Canada mua hàng từ Việt Nam rất nhiều với 10 tỷ USD và về phía Chính phủ Canada hiện đang tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ (small bussiness), là trọng tâm của nền kinh tế của nước này và chỉ đóng thuế 17%.
Chủ tịch VCBA thông tin, hiện nay Canada đang có đoàn 100 doanh nghiệp đến Việt Nam, làm việc tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và ông sẽ thu thập tài liệu liên quan đến các doanh nghiệp này.
Ông Dan On, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam - Canada cho biết sẵn sàng hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai nước, hai địa phương. |
Ông cũng cho biết, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Canada đầu tư về Việt Nam và ngược lại hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Canada các sản phẩm về thực phẩm, thủy hải sản…
Thông tin thêm về kết nối giữa 2 nước và 2 địa phương (tỉnh Bình Định và bang Vancouver), ông Nguyễn Hoài Bắc, Ủy viên Ban chấp hành VCBA đề xuất các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tại Bình Định có thể kết nối với ông Châu Cường là doanh nghiệp lớn, chủ sở hữu chuỗi Siêu thị 88 (88 Supermarkets) tại Vancouver. Các siêu thị này có khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá nông thủy sản và các mặt hàng khác sang thị trường Canada và Hoa Kỳ.
Công ty cổ phần Becamex Bình Định và Công ty cổ phần Thực phẩm Dân Ôn ký kết ghi nhớ đầu tư Dự án Nhà máy chế biến nông sản |
Đề cập về cơ hội đầu tư tại Canada, ông Nguyễn Quang Trung, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada thông tin, cả hai nước (Việt Nam và Canada) hiện là thành viên của Hiệp định CPTPP, điều này có lợi cho cả 2. Khi từ phía Việt Nam, hàng hoá Made in Vietnam sẽ thâm nhập thị trường Canada thuận lợi hơn; đồng thời, từ phía Canada, do cũng là thành viên CPTPP, hàng hoá nước này sẽ được hưởng thuế nhập khẩu thuận lợi của Việt Nam.
Hiện nay Canada đã cử phái đoàn Thương mại Canada (Team Canada Trade Mission) do bà Mary Ng, Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế dẫn đầu để tìm hiểu về các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, làm việc 3 ngày liên tiếp tại TP. Hồ Chí Minh và có mang theo 100 doanh nghiệp Canada.
Phái đoàn này sẽ tập trung vào các lĩnh vực then chốt, rất có cơ hội hợp tác với Việt Nam như nông nghiệp, thực phẩm chế biến, năng lượng sạch, công nghệ sạch, công nghệ thông tin - truyền thông, các ngành công nghệ sáng tạo, hàng không…
Và gần đây, chính quyền tỉnh bang British Columbia (BC), Sakeschewan đã mở Văn phòng Thương mại và Đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng Đầu tư đổi mới lâm nghiệp British Columbia tại tỉnh Bình Dương...
Ông Trung cho rằng xu hướng này rất phù hợp với kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư của Bình Định khi địa phương đang hội tụ nhiều điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi.
Tại hội nghị, Công ty cổ phần Becamex Bình Định và Công ty cổ phần Thực phẩm Dân Ôn ký kết ghi nhớ đầu tư Dự án Nhà máy chế biến nông sản tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định với diện tích 4 ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.