Tính toán chi li một chút thấy thiệt nên chị chưa rút, về nhà hỏi ý kiến “người thân” đã. Thực tế, có thể giao dịch viên đã giải thích cặn kẽ nhưng chị chưa hiểu, hoặc giao dịch viên chưa đủ nhiệt tâm với nghề nên đã giải thích qua loa...
Cụ thể trong trường hợp này, nếu chị cần tiền ngay, rút ra sẽ chịu một mức phí của ngân hàng khá cao nên thay vì rút USD, chuyển đổi sang VND, chị sẽ thiệt hại ít hơn. Nếu chị không cần tiền ngay, cứ để đó khoảng 10-15 ngày (tùy ngân hàng) rồi rút thì sẽ được nhận USD (hoặc chuyển sang đồng Việt Nam theo tỷ giá của ngân hàng tại thời điểm rút) mà không mất đồng phí nào.
“Vậy cứ để USD đó theo quy định của ngân hàng, rồi sau đó chị rút USD cất về để ở nhà”, chị bảo.
Thực tế hiện nay, việc giữ tiền USD trong nhà là chuyện rất bình thường. Chính một lãnh đạo ngân hàng, ngoài quốc tịch Việt Nam còn có một quốc tịch đến từ một quốc gia phát triển thú thật: “Anh vẫn để USD trong két ở nhà. Lúc nào cần đi đâu là lấy ra nhanh chóng, bất kể thời gian nào, để không gặp phiền phức gì”.
Còn anh Hoài Giang ở Cầu Giấy cho biết: “Gia đình có mấy chục nghìn USD. Trước kia, khi lãi suất gửi tiết kiệm USD còn cao thì để tiền tại ngân hàng. Nhưng từ ngày lãi suất huy động USD về 0%/năm, tôi mang tiền về để ở nhà. Cũng một vài lần, ngân hàng nơi tôi gửi tiết kiệm đồng Việt Nam có gọi điện mời gửi USD và hứa hẹn tặng quà, thậm chí có thời điểm ngân hàng này đã đề nghị gửi tiết kiệm USD có lãi suất, nhưng do ngại đi lại nên thôi”.
Từ ngày lãi suất USD được đưa về 0%/năm, việc người dân chuyển ngoại tệ là USD từ ngân hàng về nhà như những câu chuyện trên không phải là hiếm và số lượng tiền ngoại tệ trong dân cũng dần dần tăng theo. Một thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, 2 ngày nữa sẽ có số liệu chính thức về tình hình kiều hối tính đến cuối tháng 7, song nhìn chung vẫn tăng, trong bối cảnh con số hiện có tính đến cuối tháng 6/2017 đạt 2,1 tỷ USD đã tăng 1% so với cùng kỳ 2016.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, khoảng 10 năm trước, đồng đô-la không chính thức là đồng tiền được chấp nhận song song với đồng Việt Nam trong phần lớn các giao dịch có giá trị cao. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, Chính phủ chủ trương chống “đô-la hóa”, áp dụng lãi suất 0%/năm, đặc biệt với nền kinh tế ổn định, người dân đã tin tưởng nhiều hơn vào đồng nội tệ. Nhưng nếu tiếp tục duy trì mức 0%/năm với USD như hiện nay là điều cần phải xem xét lại, bởi với chính sách như vậy, Việt kiều sẽ không mặn mà gửi tiền về, trong khi đây là nguồn tiền có đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội thời gian qua.
“Kết thúc cuộc họp tháng 7 diễn ra trong 2 ngày 25-26/7/2017, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục duy trì lãi suất chính sách ở mức 1-1,25%/năm, nếu Việt Nam vẫn giữ mức lãi suất 0%/năm, dự kiến tháng 9 tới, Fed tăng lãi suất thêm 0,25%/năm, việc 'chảy máu' ngoại tệ là điều có thể nhìn thấy”, TS. Hiếu nói.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã bị rớt khỏi top 10 quốc gia có kiều hối về nước nhiều nhất, xếp thứ 11 vào năm 2015 và tụt giảm hơn nữa vào năm 2016 và 2017 do lượng kiều hối bị chững lại.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định: “Số tiền USD trôi nổi trên thị trường tự do rất lớn, nếu không được dùng cho các kế hoạch kinh tế sẽ uổng phí, dễ ‘tạo sóng’ trên thị trường ngoại hối khi thị trường tài chính quốc tế có biến động”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, điều chính yếu nhất bây giờ là cần tính toán lộ trình tăng lãi suất USD lên để số đô-la trôi nổi trở lại ngân hàng và quan trọng hơn cả là kéo nguồn kiều hối về. Bên cạnh đó, có thể cân nhắc tới việc phát hành trái phiếu USD.
Mặc dù vậy, vẫn nên duy trì lãi suất 0%/năm tại thời điểm này cho đến khi Fed tăng lãi suất, có thể là tháng 9 hoặc tháng 12 tới, để tính toán được chính xác hơn việc áp dụng mức lãi suất USD như thế nào cho phù hợp.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Hiếu nói: “Nâng lãi suất USD lên không có nghĩa là thụt lùi, quay ngược lại với chủ trương chống đô-la hóa, bởi chính nguồn tiền ngoại tệ trôi nổi trong dân làm tăng tình trạng đô-la hóa. Do đó, hút nguồn tiền trôi nổi bên ngoài thị trường tự do nghĩa là kiểm soát hiệu quả dòng tiền ngoại tệ, giảm thiểu tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế”.