Cần ưu tiên hoàn thành sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội sốt ruột trước tiến độ xây dựng văn bản pháp luật thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, liên quan đến Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp cần được ưu tiên hoàn thành trong năm 2024.

Ngày 6/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương.

Trong tham luận phục vụ sự kiện này, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội thể hiện sự sốt ruột trước tiến độ xây dựng văn bản pháp luật thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (liên quan đến Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp).

Theo đó, yêu cầu phải thực hiện các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu đã được các Cơ quan liên quan của Chính phủ đề cập trong báo cáo rà soát về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ tháng 8/2022. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua đã nhiều lần đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội sớm nội luật hoá các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm cơ sở áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024.

“Cho đến nay, Chính phủ chưa có tờ trình chính thức bổ sung nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh” – tham luận nêu.

Theo Ủy ban của Quốc hội, hiện Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 hai dự án Nghị quyết thí điểm để thực hiện thuế Tối thiểu toàn cầu theo trình tự, thủ tục rút gọn (Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao) .

Cơ quan của Quốc hội nêu rõ, các nội dung thực hiện thuế Tối thiểu toàn cầu cần được xem xét một cách tổng thể gắn liền với việc cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN để có phương án chính sách thích hợp cho mọi doanh nghiệp, ĐTNN cũng như đầu tư trong nước, các nhà đầu tư hiện hành cũng như các nhà đầu tư mới.

“Tuy nhiên, các cơ quan liên quan của Chính phủ dường như chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng dự án Luật Thuế TNDN và đang đề xuất lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Thuế TNDN tại kỳ họp tháng 5/2024 sang kỳ họp tháng 10/2024”, Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận xét.

Cơ quan của Quốc hội cho rằng, dự kiến kế hoạch sửa Luật Thuế TNDN theo hướng này là chậm so với yêu cầu thực tế đang đặt ra, trong khi các nội dung liên quan đã được đề cập trong Báo cáo rà soát Luật Thuế TNDN của Chính phủ. Các cơ quan của Chính phủ cũng đã có nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị trên cơ sở các kiến nghị của khu vực doanh nghiệp ĐTNN trong thời gian vừa qua.

Vì vậy, Thường trực Uỷ ban Tài chính, ngân sách cho rằng, các cơ quan liên quan của Chính phủ cần khẩn trương tập trung xây dựng dự án sửa Luật Thuế TNDN, đặc biệt là nội dung về chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN trong bối cảnh thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu và coi đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp ưu tiên cần hoàn thành trong năm 2024.

Liên quan đến Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, tại tham luận phục vụ hội nghị nói trên, Bộ Tài chính cho biết đã có công văn số 2298/BTC-CST ngày 13/3/2023 lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật để lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật. Trên cơ sở đó đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tiến độ cụ thể, Luật Thuế TNDN (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Tuy nhiên, Bộ này cũng nêu các khó khăn, vướng mắc, như đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật thuế TNDN rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh; bên cạnh đó dự kiến sẽ phải rà soát lại, đánh giá kết quả tổng thể chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành để trên cơ sở đó đề xuất chính sách ưu đãi thuế TNDN phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo cải thiện môi trường đầu tư, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình mới và thông lệ quốc tế.

Do đó, khối lượng công việc sẽ rất nhiều như tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật; rà soát, tổng hợp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật; rà soát tổng thể các quy định về chính sách thuế TNDN tại các luật chuyên ngành có mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của Luật thuế TNDN.

Cạnh đó cần liên tục tổng hợp các ý kiến đóng góp của các cơ quan, Bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ về đề xuất sửa đổi luật cũng như chuẩn bị nội dung trả lời báo chí, truyền thông,... tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề có liên quan để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật; chuẩn bị các đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội, đến thu ngân sách nhà nước của các nội dung đề xuất sửa đổi theo quy định.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục