Cẩn trọng với tín hiệu “Break out” trên sàn chứng khoán Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua giai đoạn tăng giá mạnh kể từ đầu tháng 4 tới nay, nhưng sự tăng giá không diễn ra trên diện rộng. Chứng khoán trong nước cũng theo quy luật tương tự.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Chỉ 38% cổ phiếu trong S&P 500 có lợi suất dương

Theo dữ liệu của FactSet, mặc dù chỉ số S&P 500 vượt đỉnh trước dịch, nhưng không phải tất cả các cổ phiếu đều tăng giá.

Cụ thể, trong chỉ số S&P 500, chỉ có 38% các cổ phiếu có lợi suất dương, còn lại tới 62% các cổ phiếu có lợi tức âm trong chỉ số trong giai đoạn 19/2 - 21/8 (giai đoạn trước khi thị trường phản ứng với thông tin dịch Covid-19 cho tới hiện tại). Trong đó, nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khoẻ, công nghệ thông tin có tỷ suất sinh lời tốt nhất.

Cẩn trọng với tín hiệu “Break out” trên sàn chứng khoán Việt ảnh 1

Biểu đồ tỷ suất sinh lời cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 từ 19/02-21/08.

Cũng theo thống kê của FactSet, tính tới 21/8, các ngành tăng điểm mạnh là tiêu dùng thiết yếu (tăng 60,6%), ngành chăm sóc sức khoẻ (tăng 58,1%), ngành công nghệ thông tin (tăng 52,1%)... Nếu xem xét kỹ hơn về từng cổ phiếu, sẽ thấy sự phân hoá mạnh, các cổ phiếu giảm vẫn chiếm đa số.

Cẩn trọng với tín hiệu “Break out” trên sàn chứng khoán Việt ảnh 2

Biểu đồ lợi nhuận chia theo từng nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 từ 19/2 - 21/8.

Ông Michael Yoshikami, Giám đốc điều hành Destination Wealth Management (công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, quản lý tài sản…) nhận xét, diễn biến thị trường theo xu hướng dòng tiền, vì vậy, các cổ phiếu đã không đồng loạt di chuyển cùng chiều.

Ông Michael Yoshikami mô tả, thị trường phân hóa khi một số lĩnh vực đã tăng giá tốt hơn những lĩnh vực khác. Trong đó, dòng tiền đã đổ vào nhóm tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.

Nhóm cổ phiếu hưởng lợi này đã tăng giá hơn 50% trong giai đoạn từ 19/2 - 21/8. Trong khi đó, các cổ phiếu năng lượng và tiện ích chỉ tăng chưa tới 10%.

Thực tế, các cổ phiếu tăng nóng chủ yếu là các cổ phiếu hưởng lợi khi đại dịch Covid-19 tạo nên trạng thái cân bằng mới, các nhà đầu tư đi tìm kiếm cơ hội giải ngân vào các ngành hưởng lợi do lượng tiền giá rẻ mà ngân hàng trung ương các nước bơm ra để kích thích kinh tế hồi phục.

Tuy nhiên, dòng tiền này không lan toả tới toàn bộ ngành nghề, mà tập trung vào một vài ngành cụ thể. Điều này cho thấy, khó khăn kinh tế của nhiều ngành nghề vẫn sẽ tiếp tục kéo dài, đặc biệt là các ngành liên quan tới tài chính, dòng tiền.

Tín hiệu vượt xu hướng giả trên sàn Việt

Tại thị trường chứng khoán trong nước, dù có hai phiên bán tháo vào ngày 24/7 và 27/7 sau thông tin xuất hiện bệnh nhân đầu tiên ngoài cộng đồng sau 90 ngày không có ca lây nhiễm mới, nhưng tới nay, chỉ số VN-Index đã trở về vùng 880 điểm.

Cẩn trọng với tín hiệu “Break out” trên sàn chứng khoán Việt ảnh 3

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Dưới góc nhìn của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS, thời gian qua, không phải cổ phiếu nào cũng tăng, nhiều cổ phiếu vẫn đang ở mức giá hấp dẫn.

Sau giai đoạn hồi phục, các chỉ số thị trường bắt đầu phát đi tín hiệu rủi ro điều chỉnh như tín hiệu RSI tiệm cận vùng 70 (thông thường cổ phiếu lên vùng 70 là quá mua, tín hiệu sẽ sớm điều chỉnh giảm xuống dưới 70).

Chỉ số VN-Index tiếp cận vùng MA 200 ngày là 872 - 880 điểm, chỉ số VN30 tiếp cận vùng MA 200 ngày 810 - 820 điểm.

Điểm đáng lưu ý ở đây là khi tiếp cận vùng kháng cự mạnh, thị trường lại có dấu hiệu vượt xu hướng (Break out) khỏi kênh giảm điểm, tạo nên dấu hiệu tăng điểm và bước vào xu hướng tăng điểm mới.

Tuy nhiên, tín hiệu Break out mỗi giai đoạn sẽ có xác suất đúng khác nhau. Nếu như giai đoạn thị trường mới bước vào sóng, trải qua giai đoạn giảm điểm mạnh đó là thời điểm xác suất đúng cao nhất.

Ở chiều ngược lại, khi các cổ phiếu đang giao dịch vùng giá cao, việc Break out sẽ mang tín hiệu giả và xác suất sau Break out thất bại sẽ lớn hơn.

Quay trở lại những lần Break out trên nền giá cao gần đây của chỉ số VN-Index giai đoạn 26/5-9/6, thị trường cũng có hiện tượng Break out khỏi vùng tích luỹ với khối lượng gia tăng, nhưng dựa trên nền tảng các chỉ báo kỹ thuật quá mua, ngay lập tức thị trường đạt đỉnh và điều chỉnh mạnh lại sau đó.

Tương tự như vậy, giai đoạn 1/11 - 8/11/2019, diễn biến thị trường cũng có nét tương đồng về hiện tượng Break out trên nền giá cao và sau đó trải qua giai đoạn giảm điểm.

Đà hồi phục mạnh của chỉ số thời gian qua diễn ra trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô không cải thiện quá lớn so với trước khi có đợt bùng phát dịch thứ 2. Đặc biệt, chỉ số đã quay lại vùng giá trước khi diễn ra làn sóng thứ hai chủ yếu nhờ kỳ vọng về vắc xin - câu chuyện tương tự của giới đầu tư trên toàn thế giới

Thậm chí, hoạt động và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều rào cản hơn trước. Thêm vào đó là xu hướng rút ròng của khối ngoại.

Nếu như trong 2 phiên bán tháo 24/7 và 27/7, khối ngoại đã thực hiện mua ròng 31,8 triệu cổ phiếu, tương ứng mua ròng 566,4 tỷ đồng trên sàn HOSE thì sau đó khi thị trường hồi phục và tăng điểm trở lại, khối ngoại lại bán ròng 58,2 triệu cổ phiếu, tương ứng rút ròng 600,47 tỷ đồng từ 1/8 - 25/8.

Nhìn rộng ra tháng 7, khối ngoại rút ròng 222,85 tỷ đồng trên sàn HOSE. Xu hướng rút ròng của nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Điều này chứng tỏ dòng tiền khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại thị trường Việt Nam, tương đồng với diễn biến trên các thị trường khu vực và các nước cận biên, mới nổi.

Có thể thấy, tín hiệu Break out lần này dựa trên yếu tố triển vọng kinh doanh không sáng hơn, trong khi đó nền giá để thị trường Break out là vùng giá cao, điều này cho thấy tín hiệu cảnh báo thị trường.

Nếu như lịch sử lập lại, chỉ số VN-Index rất có thể sẽ quay đầu trở lại và khó có thể vượt được vùng 900 điểm nếu như không có một cải thiện thật sự lớn nào về mặt vĩ mô như tình hình hiện tại.

Dưới góc nhìn của ông Lê Đức Khánh, thị trường chứng khoán nhìn khía cạnh dài hạn thì còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhờ độ mở của nền kinh tế, cải cách thể chế, vốn hoá thị trường ngày càng tăng. Ngoài ra là sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc dịch Covid-19 đã và đang dần được kiểm soát.

“Có những cổ phiếu tăng mạnh trong ngắn hạn và không tăng nữa, nhưng có những cổ phiếu lại bắt đầu xu thế tăng điểm dài hơi hơn.

Theo ông Khánh, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ có diễn biến giao dịch vượt đỉnh mới. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản của doanh nghiệp vẫn phải là căn cứ quan trọng khi quyết định đầu tư.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục