GDP năm nay dự kiến đạt 6,7%, cùng với đó là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện... Với sự tích cực này, ông dự cảm gì về triển vọng kinh tế 2018?
Theo tôi, GDP của Việt Nam sẽ tiếp nối đà đi lên trong những năm qua, nên có thể tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2018, mặc dù có thể sẽ không đạt được mức cao như năm nay. Lý do là bởi nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước áp lực nợ công cao, nên các dự án đầu tư công có thể sẽ được xem xét cẩn trọng hơn trong năm tới.
Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn từ năm 2018, điều này cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, bởi đây là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.
Vậy đối với thị trường chứng khoán Việt Nam năm tới sẽ thế nào?
Ông Nguyễn Phi Hùng
Các yếu tố nền tảng vĩ mô tốt trong năm 2017, cùng với kỳ vọng tích cực của năm 2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, do thị trường đã tăng liên tục từ đầu năm 2017 và đặc biệt tăng nhanh trong thời điểm cuối năm mà chưa trải qua một nhịp điều chỉnh đáng kể nào, nên rất có thể sẽ có một nhịp điều chỉnh, đặc biệt khi thị trường đã hấp thụ hết thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2017, trong khi kế hoạch kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp còn chưa rõ ràng.
Đà tăng điểm rất mạnh của VN-Index trong thời gian vừa qua chủ yếu xoay quanh các mã chứng khoán có vốn hóa lớn. Theo ông, nhóm cổ phiếu nào sẽ thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới?
Chỉ số VN-Index cuối năm 2017 chủ yếu được nâng đỡ bởi các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn, trong khi nhiều cổ phiếu chất lượng khác lại chưa thu hút được dòng tiền.
Tôi cho rằng, những mã cổ phiếu có thông tin tốt về kết quả kinh doanh năm 2017, hoặc có thông tin về thoái vốn của Nhà nước sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Nhưng vì tỷ trọng đóng góp của những mã này vẫn tương đối nhỏ nếu so với 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất, nên chỉ có tác động hỗ trợ ở mức độ nhất định vào chỉ số chung của thị trường.
Liên quan đến hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, sau Vinamilk, tới đây, Nhà nước sẽ thoái vốn tại Sabeco và nhiều doanh nghiệp lớn khác, điều này sẽ có tác động như thế nào đến tâm lý, cũng như diễn biến của thị trường chứng khoán?
Động thái thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, đầu ngành trong nền kinh tế cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hạn chế sự tham gia của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào hiệu quả kinh doanh của khu vực tư nhân.
Các doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về hoạt động kinh doanh khi khu vực tư nhân tham gia vào quản lý. Điều này sẽ tạo ra tác động tích cực trong thu hút các dòng tiền tham gia thị trường, đặc biệt là dòng vốn ngoại, đồng thời đem lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư.
Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng gần 26.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, con số kỷ lục từ trước tới nay. Theo ông, liệu xu hướng tích cực này có còn tiếp diễn trong năm tới?
Với nền tảng tốt về vĩ mô, sự phục hồi tích cực của khu vực doanh nghiệp và động thái thoái vốn mạnh mẽ của Nhà nước, dòng vốn nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục tín hiệu tích cực trong năm 2018.
Để cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại cho thị trường, Nhà nước cần phát tín hiệu rõ ràng cho giới đầu tư về việc quyết tâm không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thể hiện qua cam kết giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp ở mức dưới 50%.
Để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp cần định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng, nâng cao sự minh bạch về quản trị và minh bạch thông tin, đồng thời tăng cường các kênh trao đổi thông tin với các nhà đầu tư trên thị trường.