>> Kế hoạch lợi nhuận 2011: Doanh nghiệp giữ thế phòng thủ
Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành tỏ ra thận trọng trước khó khăn của kinh tế vĩ mô, thì một số đơn vị lại đề ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2011 với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá ấn tượng. Doanh nghiệp có lợi thế hay đây là sự chủ quan hoặc cố tình "lấy điểm" trước cổ đông?
Ngày 3/3, ĐHCĐ thường niên CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương (CTS) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2011, với doanh thu 274 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng. Kế hoạch này tăng trưởng 40% về doanh thu, 322% về lợi nhuận trước thuế và 316% về lợi nhuận sau thuế so với thực hiện năm 2010 (doanh thu 195,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 28,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21,64 tỷ đồng). Trong khi đó, những "cây đa, cây đề" trong ngành như SSI, TLS, HSC dù thuộc Top đầu về nhiều nghiệp vụ cũng không dám "trèo cao". Đơn cử, HSC đặt kế hoạch năm nay doanh thu tăng 20%, lợi nhuận tăng 62,3% so với năm trước.
Trong lĩnh vực bất động sản đang gặp nhiều khó khăn thì CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng trong năm nay. Nếu được ĐHCĐ thông qua, chỉ tiêu doanh thu so với thực hiện năm 2010 tăng 150%. Còn chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận tuy chỉ tăng 20% nhưng đây là con số đáng kể, xét trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm và các doanh nghiệp cùng ngành như CTCP Nhà Việt Nam (NVN) giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 xuống 25% so với năm 2010.
Với CTCP Khoáng sản Bình Thuận Hamico (KSA), năm nay tiếp tục là năm của triển vọng khi chỉ tiêu mà KSA đề ra là 960 tỷ đồng doanh thu và 186,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 525% và 115% so với năm 2010. Kế hoạch lợi nhuận năm nay cao hơn hẳn con số 129 tỷ đồng lợi nhuận mà KSA dự kiến cho năm 2011 trong bản cáo bạch khi niêm yết vào giữa năm 2010.
Việc KSA, CTS, HQC quyết tâm theo đuổi chỉ tiêu kinh doanh cao khiến cổ đông hoan hỉ, nhưng không ít nhà đầu tư băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch.
Đối với kế hoạch của CTS, nhà đầu tư không rõ CTS căn cứ vào đâu để đề ra mục tiêu cao cho năm nay. Trong khi đó, diễn biến TTCK từ đầu năm đến nay không thuận lợi. Đa số thành viên thị trường đều dự báo, năm nay, nhiều khả năng TTCK sẽ giảm nhẹ hoặc đi ngang, tương tự như năm 2010. Năm 2010, CTS đạt 21,64 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 15,45% so với kế hoạch năm.
Theo đại diện của CTS, Công ty có cơ sở để hướng đến mục tiêu lợi nhuận năm 2011 tăng trên 300%. Thứ nhất, CTS kỳ vọng ở khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính khi TTCK tăng trưởng. Thứ hai, CTS hạn chế tối đa vốn cho tự doanh, giúp Công ty tránh được thua lỗ từ tự doanh như năm qua. Đặc biệt, với định hướng đẩy mạnh nghiệp vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, với sự phối hợp từ ngân hàng mẹ (Ngân hàng Công thương Việt Nam), với kế hoạch triển khai thêm một số sản phẩm mới như thực hiện báo cáo thường niên cho các công ty…, CTS tự tin sẽ đạt 50 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ tư vấn, cao gần gấp đôi năm trước.
Tuy nhiên, thực tế ít CTCK đạt doanh thu tư vấn 50 tỷ đồng, nên chỉ tiêu của CTS cho mảng tư vấn nói riêng và kinh doanh nói chung là khá áp lực. Mặc dù vậy, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho rằng, với đặc thù ngành có nhiều biến động, với quy mô của một CTCK lớn (CTS có vốn điều lệ xấp xỉ 800 tỷ đồng) và nếu xem tư vấn không chỉ dừng ở hưởng phí tư vấn, thì việc nâng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế từ vài chục tỷ đồng lên trên trăm tỷ đồng không phải là điều bất thường hay không khả thi.
Tại HQC, ông Trương Anh Tuấn, Tổng giám đốc khẳng định, Công ty sẽ đảm bảo được lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn 2010 - 2012 đạt ít nhất 50% vốn điều lệ. Năm ngoái, tình hình kinh doanh của HQC thuận lợi, nên dù Công ty điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận lên gấp đôi so với ban đầu, từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng thì vẫn thực hiện vượt chỉ tiêu điều chỉnh. Ông Tuấn cho biết, HQC có các ưu thế như quỹ đất lớn ở TP. HCM, có nhiều dự án khu dân cư, trường đại học ở các tỉnh như Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ. Đồng thời, Công ty có chiến lược mua sỉ, bán lẻ trong lĩnh vực bất động sản và đang là chủ đầu tư Khu công nghiệp - Cảng Bình Minh (132 héc-ta) tại Vĩnh Long, Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 (146,2 héc-ta) tại Bình Thuận, Khu phi thuế quan Trà Vinh (500 héc-ta)…
Trong năm qua, nhà đầu tư đã có nhiều bài học về việc doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận cao, tạo ra kỳ vọng cao với giá cổ phiếu, nhưng sau đó không hoàn thành kế hoạch, khiến nhà đầu tư thua lỗ. Vì vậy, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần phân tích rõ nguồn, cơ cấu doanh thu và lợi nhuận để đánh giá tính khả thi trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần thường xuyên đánh giá lại khả năng thực hiện lợi nhuận của doanh nghiệp, tránh rơi vào tình trạng "bánh vẽ".